Có đến 92/100 mẫu nước ngầm được kiểm tra trên địa bàn TPHCM bị ô nhiễm. Tùy vào từng khu vực mà mẫu nước quan trắc có nhiều loại chất ô nhiễm và mức độ ô nhiễm khác nhau. Ngay cả mẫu nước chứa chất thải nhẹ cũng có thể gây ra các bệnh vàng da, rối loạn tiêu hóa, còn nặng có thể gây ung thư. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, sinh hoạt đang thải bỏ lượng lớn chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, khiến chất lượng môi trường thành phố đang bị ô nhiễm nặng nề. Cải thiện giải pháp để tăng hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường là việc làm cấp thiết phải thực hiện trong năm 2017.
Ô nhiễm gia tăng
Phân tích những hạn chế trong hoạt động ngành tài nguyên và môi trường, đồng chí Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chỉ rõ: “Nguồn nước ngầm thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng xuất phát từ nguyên nhân khai thác nước ngầm tràn lan trong khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp. Với những doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khai thác nước ngầm nhằm giảm chi phí sản xuất. Còn với người dân, việc khai thác nước ngầm xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống nhưng cũng có nguyên nhân khác là thói quen sử dụng. Tình trạng khoan giếng tràn lan và trám lấp không đạt chuẩn khiến nguồn thải ô nhiễm dẫn vào nguồn nước ngầm ngày càng nhanh và nhiều hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu nhất khiến cho chất lượng nguồn nước ngầm suy giảm nhanh chóng xuất phát từ thực tế thiếu sự quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng”.
Xử lý chất thải nguy hại để bảo vệ môi trường tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Không dừng lại đó, chất lượng môi trường ô nhiễm nghiêm trọng còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác. Cụ thể như yếu tố khách quan là tình trạng tăng dân số cơ học nhanh, khoảng 3% - 4%/năm, cộng với dân số tăng tự nhiên 1%/năm. Theo quy hoạch dân số thành phố vào năm 2020 là 10 triệu dân nhưng hiện tại đã vượt 13 triệu dân. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng dân số, số lượng doanh nghiệp cũng ngày càng tăng nhanh, dẫn đến tình trạng phát sinh lượng lớn chất thải ô nhiễm. Hiện trung bình mỗi ngày, môi trường thành phố đang tiếp nhận 8.200 tấn rác sinh hoạt, 300 tấn rác y tế, 200 tấn rác nguy hại. Lượng rác này tuy được thu gom hết nhưng xử lý cơ bản vẫn là chôn lấp. Giải pháp này hiện không còn phù hợp và đang gây ra những tác động xấu cho môi trường và chất lượng sống của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng thừa nhận, trong năm 2016, sở đã thực hiện kiểm tra và ban hành 40 quyết định xử phạt đối với 40 đơn vị, với tổng số tiền phạt trên 2 tỷ đồng. Đồng thời, tham mưu UBND TP ban hành 45 quyết định xử phạt với 45 đơn vị khác. Tổng số tiền phạt gần 11 tỷ đồng. Đây cũng chỉ là số lượng rất ít doanh nghiệp vi phạm môi trường bị phát hiện và xử phạt. Riêng về xử lý chất thải phát sinh, cho đến nay cơ bản đã kiểm soát triệt để chất thải y tế và chất thải nguy hại. Phần lớn lượng rác này được thu gom và xử lý bằng phương pháp đốt. Riêng chất thải nguy hại thì chủ yếu vẫn xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Sở đã phối hợp với các quận, huyện để triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác chôn lấp, tăng lượng rác tái chế. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện chương trình chưa cao do thiếu đồng bộ trong công tác tổ chức lực lượng và trang thiết bị thu gom rác tại hộ gia đình. Nhiều lực lượng rác dân lập thiếu hợp tác với các quận, huyện để triển khai chương trình…
Thay đổi giải pháp quản lý môi trường
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa khẳng định, thành phố rất xấu hổ vì chất lượng môi trường hiện tại. Do vậy, cải thiện chất lượng môi trường là giải pháp cấp thiết phải làm trong thời gian tới. Đồng chí Lê Văn Khoa nhấn mạnh, trách nhiệm đầu tiên của Sở Tài nguyên và Môi trường là phải thiết lập giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ngầm. Theo đó, với những doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu dân cư đã có nguồn nước cấp thì phải cấm triệt để khai thác nước ngầm, trừ một số trường hợp bất khả kháng. Còn với người dân thì vừa vận động vừa xây dựng lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm. Hiện thành phố đã hoàn tất việc phủ mạng lưới cấp nước sạch đến từng hộ dân nên sẽ là cơ sở vững chắc để sở thực hiện lộ trình hạn chế và tiến tới là cấm khai thác nước ngầm trong khu dân cư.
Riêng về vấn đề xử lý rác thải nói chung, sở phải giải quyết bằng cách tăng tốc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt hiện đại. UBND TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị xử lý rác thải hiện tại của TP từng bước chuyển đổi công nghệ xử lý theo hướng đốt rác. Còn chương trình phân loại rác tại nguồn, cần phải thay đổi quan điểm xem lực lượng là rào cản mà phải có chính sách hỗ trợ họ thực hiện tốt công việc phân loại rác tại nguồn. Sở Tài nguyên và Môi trường phải xây dựng kế hoạch và tham mưu UBND TP hỗ trợ lực lượng này chuyển đổi phương tiện thu gom đúng tiêu chuẩn. Xe có thể thiết kế 2 ngăn; không rỉ nước, rỉ rác; tải trọng nhẹ và phù hợp với hoạt động của người thu gom rác dân lập. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ họ khám sức khỏe 2 lần/năm.
Cuối cùng là tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Phải thấy rằng, với thành phố hơn 10 triệu dân mà thực hiện kiểm tra, kiểm soát thủ công thì không thể thực hiện được mà phải sử dụng trang thiết bị. Thành phố sẽ sẵn sàng đầu tư trang thiết bị để thực hiện kiểm soát môi trường. Vấn đề quan trọng là Sở Tài nguyên và Môi trường phải xác định vị trí và cơ sở vật chất, trang thiết bị cần đầu tư và công tác quản lý sau đầu tư như thế nào để đạt hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường cao nhất.
Minh Xuân