Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Sở GTVT TPHCM đã tổ chức các đợt kiểm tra lái xe, nhất là các tài xế chạy tuyến liên tỉnh nhằm xử phạt và ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi cầm lái. Tuy nhiên, việc kiểm tra này chỉ diễn ra từng đợt, không thường xuyên. Còn việc đưa các nhân viên lái xe đi khám sức khỏe định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần, hầu như là chuyện riêng của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải. Lâu nay, các DN vận tải đều tự tổ chức cho nhân viên lái xe khám sức khỏe định kỳ, nếu lái xe không đảm bảo sức khỏe, DN tự quyết định có sử dụng nữa hay không. Tuy nhiên, nhiều chủ DN băn khoăn: Trong giấy khám sức khỏe chưa có danh mục xét nghiệm máu hay nước tiểu, nên không thể xác định tài xế nào có sử dụng ma túy.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, qua công tác khám sức khỏe đối với lái xe vận tải bằng ô tô, đến nay trên cả nước đã phát hiện 1.521 lái xe (trong tổng số 133.785 lái xe) không đảm bảo sức khỏe, trong đó có 477 trường hợp dương tính với ma túy. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là có không ít tài xế lái xe đường dài sử dụng ma túy và các chất kích thích khác, theo giới kinh doanh xe tải. Nhất là trường hợp chủ xe khoán trắng cho lái xe, thường những dạng này, lái và phụ xe đều nghiện ma túy.
Trong khi đó, việc khám sức khỏe cho người học, đủ điều kiện lái xe được thực hiện bởi các tổ chức y tế do các bệnh viện cử xuống các cơ sở, trường dạy lái xe, còn tồn tại nhiều vấn đề. Do đó, dù khám theo 33 tiểu mục quy định nhưng cũng chỉ là khám ngoài da. Các tổ y tế khám sức khỏe lưu động này không được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị để phát hiện các dạng bệnh về tâm thần, tim mạch… và hầu hết chỉ khám cho có. Trong khi đó, giấy khám sức khỏe thời gian qua chưa có danh mục đề cập đến kiểm tra chất ma túy hay chất gây nghiện khác.
Việc sát hạch sức khỏe lái xe trước khi tuyển dụng, đặc biệt là lái xe chạy đường dài tại các DN còn nhiều kẽ hở, thậm chí nhiều DN tuyển dụng lái xe có kinh nghiệm chưa quan tâm đến sức khỏe. Câu hỏi đặt ra phải chăng DN không quản lý, xử lý được tài xế không đủ sức khỏe, sử dụng ma túy hay do chế tài từ phía các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập? Chính vì thế, để ngăn chặn những hiểm họa từ các tài xế nghiện ma túy, bia rượu, ngành GTVT cần phối hợp với ngành y tế, công an, tăng cường kiểm tra và kiểm tra thường xuyên, đột xuất các DN và xử lý nghiêm DN, tổ chức nào sử dụng tài xế nghiện ma túy. Đây là giải pháp góp phần ngăn chặn tận gốc của vấn đề, thay vì chỉ là những đợt kiểm tra sức khỏe các bác tài “thoáng qua” như hiện nay.
THÁI BÌNH