Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký công văn gửi Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM và UBND các quận, huyện về việc tăng cường quản lý nhóm lớp mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ gia đình. Đây không phải lần đầu tiên vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được chú trọng.
Trẻ mầm non cần được học tập, vui chơi trong môi trường lành mạnh, an toàn
Cần bổ sung đội ngũ chuyên trách
Văn bản nói trên của UBND TP được xem là hồi chuông nhắc nhở chung 24 quận, huyện sau vụ bạo hành trẻ vừa diễn ra tại một nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép ở quận Gò Vấp được báo chí đề cập tuần qua. Theo đó, vụ việc xảy ra tại một nhóm trẻ không phép nằm sâu trong một con hẻm, nuôi giữ 9 bé là con công nhân, người lao động ở phường 17. Sau khi người giữ trẻ bị phát hiện có các hành vi bạo lực như đánh đập, dốc ngược đầu trẻ ra sau để cho ăn, đoàn kiểm tra liên ngành gồm UBND phường và Công an phường 17 đã đến lập biên bản, tạm đình chỉ hoạt động cơ sở này để điều tra và có hướng xử lý. Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết theo quy định hiện nay, các nhóm trẻ, hộ giữ trẻ tư thục thuộc quyền quản lý và cấp phép của UBND phường, xã, Phòng GD-ĐT chỉ phụ trách các vấn đề về chuyên môn. Tuy nhiên, do lực lượng nhân sự còn mỏng nên các phường chưa thể giám sát hết hoạt động của các cơ sở giữ trẻ.
Giải thích rõ hơn điều này, phó phòng GD-ĐT phụ trách mầm non của quận 12 cho biết, nhân sự quản lý nhà nước hiện nay đối với bậc mầm non ở cấp quận gồm một trưởng phòng GD-ĐT và một phó trưởng phòng phụ trách trực tiếp bậc học. Ngoài ra, tổ mầm non của phòng GD-ĐT hiện nay có 2 nhân sự, một người phụ trách chuyên môn dạy, người còn lại phụ trách công tác chăm sóc nuôi dưỡng, chưa có biên chế nhân sự riêng cho việc quản lý nhóm lớp ngoài công lập. Riêng ở cấp phường, tất cả UBND phường đều có một phó chủ tịch phụ trách khối văn xã, trong đó có quản lý giáo dục. Tuy nhiên, cán bộ trực tiếp theo dõi, quản lý nhóm lớp ngoài công lập sẽ tùy theo điều kiện phân bổ của mỗi phường, phân công cán bộ ở các lĩnh vực khác như văn hóa thông tin, văn hóa xã hội, bình đẳng giới trẻ em, dân số gia đình và trẻ em hoặc lao động thương binh - xã hội kiêm nhiệm thêm công tác quản lý mầm non ngoài công lập, bởi hiện nay tất cả các phường đều chưa có biên chế nhân sự riêng cho việc này. Như vậy, tính chung cả hai cấp quản lý là phường và quận, chỉ có 3 nhân sự (hai chuyên viên phòng GD-ĐT quận, huyện và một cán bộ chuyên môn ở UBND phường, xã) trực tiếp theo dõi hoạt động của các nhóm lớp này. Trong khi đó, theo một thống kê chưa đầy đủ, toàn quận 12 hiện có 35 trường mầm non tư thục và 231 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo đang hoạt động, chưa tính loại hình nhóm trẻ gia đình.
Tương tự, tại quận Thủ Đức, số trường tư thục hiện nay đã lên đến 90 trường, 98 nhóm trẻ được cấp phép, 239 điểm giữ trẻ gia đình đang hoạt động nhưng chỉ có một phó trưởng phòng GD-ĐT và một chuyên viên phụ trách tổ mầm non thực hiện công tác quản lý. Lực lượng mỏng nên vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở mầm non ngoài công lập phải “viện trợ” thêm sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ 12 phường, ủy ban MTTQ và các đoàn thể tại địa phương trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách và giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Theo thừa nhận của nhiều địa phương, những cách làm trên chỉ là sự co kéo quản lý tạm thời. Trước sự không ngừng mở rộng về quy mô và tăng thêm số lượng điểm giữ trẻ, UBND TPHCM nên tính đến phương án bổ sung thêm biên chế nhân sự riêng cho công tác quản lý nhóm lớp ngoài công lập, tránh đẩy cái khó cho địa phương.
Kế hoạch bài bản và hiệu quả
Trong văn bản vừa được UBND TP gửi UBND 24 quận, huyện, công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở giữ trẻ được đặc biệt chú trọng. Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến các tổ dân phố danh sách nhóm lớp tư thục, độc lập đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa bàn, kiên quyết rà soát không để tồn tại các nhóm trẻ hoạt động không phép. Tuy nhiên, theo thừa nhận của phó chủ tịch phụ trách văn xã một quận ở trung tâm TP, một khi giao thêm việc phải đi kèm các quy định về chế độ, hỗ trợ lương bổng, chưa kể việc công bố danh sách các nhóm lớp chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa bàn là việc hết sức nhạy cảm, cần sự sâu sát, đầu tư nhiều thời gian của cán bộ được phân công thực hiện. Do đó, để những việc làm trên trở nên có hiệu quả, cần có kế hoạch thực hiện rõ ràng, tránh tình trạng làm cho có, nơi gắt gao nơi lơ là gây bất an cho người dân.
TPHCM hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng nhóm trẻ độc lập, tư thục đang hoạt động. Trong vòng 3 năm trở lại đây, đã có 8/24 phòng GD-ĐT quận, huyện bổ sung thêm biên chế hành chính cho chuyên viên phụ trách công tác quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập. Song, trước tốc độ không ngừng tăng cao của các nhóm lớp, cơ sở giữ trẻ ngoài công lập, quản lý thế nào để bảo đảm an toàn trong các vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng vẫn là bài toán khó đặt ra cho các địa phương.
MINH QUÂN