Ngày 3-5-2007, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM. Đến ngày 31-12-2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ban hành quy định bảo vệ tài nguyên nước.
Qua gần 7 năm thực hiện các quy định trên cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, việc khai thác tài nguyên nước, trong đó có tài nguyên nước ngầm phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt đời sống của gần 10 triệu người dân tăng mạnh, nhu cầu sử dụng nước đã và đang bộc lộ những hạn chế cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với những điều kiện thực tế mới như khả năng cung cấp nước sinh hoạt ngày càng nhiều và chủ động hơn, biến đổi khí hậu với các diễn biến của thời tiết cực đoan cũng tác động mạnh mẽ tới tài nguyên nước, đặc biệt là tài nguyên nước ngầm.
Tài nguyên nước ngầm ở trên địa bàn TPHCM có 3 đơn vị (tầng) chứa nước, gồm: tầng chứa nước Pleistocen (tầng 1) chứa nước thường phân bổ ở độ sâu nhỏ hơn 50m so với mặt đất khu vực TPHCM; tầng chứa nước Pliocen trên (tầng 2) chứa nước thường phân bổ ở độ sâu 50-150m so với mặt đất khu vực TPHCM; tầng chứa nước Pliocen dưới (tầng 3) chứa nước thường phân bố ở độ sâu từ 150m - 300m so với mặt đất khu vực TPHCM.
Về tình hình khai thác và sử dụng nước ngầm: nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh dịch vụ của thành phố chủ yếu khai thác từ nguồn tài nguyên nước mặt của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai qua hệ thống cung cấp nước của Tổng công ty Cung cấp nước SAWACO với tổng công suất khoảng 1.500.000m3/ngày. Bên cạnh đó, một phần nước dùng cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và dịch vụ được khai thác từ nguồn nước dưới đất với các giếng khoan trong các hộ dân, trong các đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ ước khoảng 400.000m3/ngày, chiếm tỷ lệ trên 1/4 tổng lượng nước sử dụng hàng ngày của toàn thành phố. Trong đó, tình hình khai thác nước ngầm tại 15 khu công nghiệp - khu chế xuất (với tổng số 1.162 doanh nghiệp đang hoạt động) có 58 doanh nghiệp đang khai thác 9.403m3/ngày và 11 đơn vị quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất khai thác nước ngầm cung ứng cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất với tổng lưu lượng khai thác khoảng 34.271m3/ngày. Đáng lưu ý là trong tổng số 69 đơn vị đang khai thác nước ngầm chỉ có 39 đơn vị có giấy phép.
Trong thời gian tới, TPHCM cần có các giải pháp cấp bách để tăng cường quản lý khai thác tài nguyên nước ngầm. Điều chỉnh quy định, hạn chế và cấm khai thác nước ngầm theo Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND.
Căn cứ theo quy hoạch cấp nước của TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 724/QĐ-TTg ngày 19-6-2012 đến năm 2015 TPHCM được phép khai thác nước ngầm 440.000m3/ngày và đến năm 2025 được khai thác là 100.000m3/ngày. Như vậy, trong vòng 10 năm tới (2015-2025) lượng nước ngầm được phép khai thác sẽ giảm mạnh. Việc điều chỉnh quy định được ban hành kèm theo Quyết định 69/2007/QĐ-UBND trên cơ sở thành lập hệ thống bản đồ mới phân vùng cấm, vùng hạn chế và vùng khai thác nước ngầm trên địa bàn TPHCM là cần thiết, cấp bách. Một cơ sở khoa học và thực tiễn trên cơ sở xây dựng Chỉ số hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất là tổng số điểm được quy đổi từ mức độ quan trọng của 5 yếu tố như: quy mô, chất lượng mạng cấp nước của thành phố (do SAWACO quản lý vận hành); tốc độ hạ thấp mực nước các tầng chứa nước do quá trình khai thác; khả năng và tốc độ lún mặt đất của vùng khai thác; khoảng cách an toàn từ các điểm khai thác tới các nguồn ô nhiễm lớn và khoảng cách an toàn đến biên mặn - nhạt các tầng chứa nước. Việc ban hành bản đồ phân vùng khai thác, hạn chế và cấm khai thác trên cơ sở chỉ số hạn chế sẽ đảm bảo quy trình cấp bách đã nêu trong quy hoạch 2015-2025.
Xây dựng lộ trình hạn chế khai thác tài nguyên nước ngầm kết hợp với tăng cường khả năng cung cấp của SAWACO và kiên quyết xử lý các đơn vị khai thác tài nguyên nước ngầm không có giấy phép hoặc hết hạn. Với những vùng hạn chế khai thác không gia hạn giấy phép.
Tiếp tục nghiên cứu làm rõ các ảnh hưởng biến đổi khí hậu đặc biệt là việc mực nước biển dâng cao và xâm nhập mặn ảnh hưởng tới các tầng nước ngầm cũng như nghiên cứu hoàn thiện giải pháp bổ cập nước mặt, nước mưa để bổ sung trực tiếp cho các tầng nước dưới đất, đảm bảo cân đối bước đầu giữa việc khai thác và bổ sung để hạn chế tới mức thấp nhất, ảnh hưởng tới lưu lượng và chất lượng các tầng nước ngầm. Mặt khác, cần gấp rút xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc nước ngầm để làm cơ sở dữ liệu phục vụ tốt cho công tác quản lý các nguồn lực tài nguyên nước để phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
NGUYỄN VĂN CHIẾN
(Văn phòng Thích ứng với biến đổi khí hậu)