Đó là khẳng định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2014 sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt, với những đơn vị, tổ chức gây ô nhiễm môi trường nằm trong Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ buộc phải di dời nhưng cho đến nay vẫn chưa thể di dời được.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, tại thành phố còn 4 đơn vị sản xuất gây ô nhiễm buộc phải di dời theo Quyết định 64 của Chính phủ nhưng cho đến nay do chưa tìm được điểm đến nên chưa thể di dời. Sở cũng đã giải quyết bằng cách buộc các doanh nghiệp này ngưng công đoạn sản xuất phát sinh ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện vấn đề sản xuất ô nhiễm gây bức xúc trong dư luận lại không phải là những đơn vị này mà là những đơn vị sản xuất nhỏ, xen lẫn trong khu dân cư. Những đơn vị sản xuất nhỏ này cũng đã nhiều lần bị kiểm tra xử phạt nhưng thực tế họ vẫn tiếp tục vi phạm. Thậm chí, có những doanh nghiệp còn thường xuyên thay đổi giấy phép kinh doanh, tên doanh nghiệp hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ” để né tránh sự kiểm tra gắt gao của các cơ quan chức năng. Trường hợp những doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt hơn thì chọn di dời tự phát đến những quận huyện vùng ven khác để tiếp tục sản xuất gây ô nhiễm… Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số những đơn vị gây ô nhiễm chưa thực hiện cải tạo, di dời trên cả nước khó xử lý nhất vẫn là bãi rác và bệnh viện. Hiện còn 20 bãi rác và 10 bệnh viện của các tỉnh, thành gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu xử lý mạnh tay thì không có bãi rác thay thế. Việc đầu tư lĩnh vực này tại các địa phương chưa được quan tâm hoặc được quan tâm nhưng chưa biết phải thực hiện thế nào.
Còn với bệnh viện, với tính chất đặc thù là hoạt động 24/24 giờ, xả thải gây ô nhiễm thường xuyên nhưng nếu áp dụng biện pháp mạnh như buộc tạm ngưng hoạt động thì ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh cho các bệnh nhân. Trao đổi với đại diện nhiều bệnh viện về vấn đề này, đại diện các bệnh viện cho biết, nguyên nhân chính là do thủ tục xin cấp vốn đầu tư hệ thống xử lý chất thải gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng đầu tư đã lâu, không được trang bị hệ thống thu gom đạt tiêu chuẩn về môi trường như tách nước mưa và nước thải… Do vậy, để có thể đầu tư theo đúng yêu cầu, đảm bảo môi trường hiện nay nhất thiết phải gián đoạn công tác khám chữa bệnh cho các bệnh nhân. Điều này là vấn đề khó nhất của Ban giám đốc các bệnh viện hiện nay.
Để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này, hiện ngoài việc kiểm tra và xử phạt nặng những hành vi vi phạm môi trường, cần thiết phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía lãnh đạo chính quyền địa phương trong việc mở rộng diện tích, hỗ trợ vốn đầu tư cải tạo hệ thống xử lý chất thải đối với những đơn vị công ích. Còn về lâu dài, nhất thiết phải tạo lập những điểm đến an toàn, phù hợp với nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa yên tâm sản xuất, vừa thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của chính mình.
MINH XUÂN