Tăng đầu tư cho cuộc đua công nghệ

Chính phủ Mỹ vừa công bố khoản đầu tư 1 tỷ USD cho các viện nghiên cứu mới nhằm phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử. Khoản đầu tư trong vòng 5 năm này sẽ được dành cho 7 viện nghiên cứu AI do Quỹ khoa học quốc gia đứng đầu và 5 viện nghiên cứu máy tính lượng tử.

Theo ông Michael Kratsios, một quan chức Nhà Trắng phụ trách về công nghệ, khoản đầu tư này sẽ giúp các viện nghiên cứu này đẩy nhanh sáng tạo và xây dựng nguồn lực lao động cho thế kỷ 21. Các trung tâm máy tính lượng tử sẽ có sự phối hợp và hỗ trợ của các công ty IBM, Microsoft, Intel và Lockheed Martin. 

Trước đó, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết, trong 5 năm tới, chính phủ nước này sẽ dành 625 triệu USD cho các trung tâm nghiên cứu AI và khoa học lượng tử. Ngoài khoản ngân sách nhận được từ chính phủ, các trung tâm nghiên cứu 2 lĩnh vực khoa học quan trọng này còn nhận được một khoản tài trợ 340 triệu USD từ các tổ chức tư nhân. DOE cho biết, số tiền trên sẽ được dùng để thành lập các viện nghiên cứu và phát triển AI cũng như thông tin lượng tử mới. Hiện mỗi năm Mỹ đầu tư tối thiểu 500 triệu USD cho các dự án nghiên cứu phát triển AI với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ trong cuộc đua công nghệ trên thế giới.  

Những động thái trên cho thấy Chính phủ Mỹ đang rất chú trọng tới việc tăng kinh phí cho nghiên cứu và phát triển AI và máy tính lượng tử. Cụ thể, đề xuất ngân sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay tăng gấp đôi chi phí cho việc phát triển AI phi quốc phòng từ 973 triệu USD lên 2 tỷ USD và tăng 50% kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu máy tính lượng tử.  

Một số dự báo cho rằng, nếu không tăng tốc trong cuộc đua công nghệ, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vòng 10 năm tới. Với việc ứng dụng mạnh mẽ AI vào quốc phòng, thương mại, công nghệ nhận diện khuôn mặt, fintech (công nghệ tài chính), máy bay không người lái hay công nghệ 5G, Trung Quốc đang cho thấy là một đối thủ đáng gờm. Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực chạy đua để giành vị thế dẫn đầu. Mỹ liên tục có những cấm vận nhắm vào công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Huawei. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cố gắng đẩy nhanh tiến độ hình thành một “thung lũng Silicon phương Đông”. Trung Quốc đã công khai tham vọng đi đầu về AI bằng những kế hoạch cụ thể như “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025” hay “Tiêu chuẩn Trung Quốc năm 2035”. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, dù Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ như một cường quốc công nghệ nhưng không dễ gì có thể soán được ngôi vị của Mỹ. Theo một báo cáo mới đây của Citigroup về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này ở 48 nền kinh tế, Mỹ vẫn dẫn đầu ở khoảng cách tương đối an toàn. Nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chiếm thế thượng phong nhờ tiềm lực kinh tế mạnh, quy tụ nhiều nhân tài hàng đầu thế giới và đặc biệt là đa số các công ty phần mềm lớn đều có trụ sở tại Mỹ.

Tin cùng chuyên mục