Thực tế, nguồn vốn đầu tư trung hạn cho các dự án (DA) của TPHCM đang rất thiếu. Chỉ tính riêng DA chuyển tiếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, có tới 4.200 DA với tổng số vốn gần 180.000 tỷ đồng. Trong khi đó, toàn bộ vốn trung hạn Trung ương giao thành phố giai đoạn này là 142.000 tỷ đồng. Trước tình hình đó, kỳ trung hạn vừa qua, thành phố bố trí khoảng 121.000 tỷ đồng cho các DA chuyển tiếp, còn 21.000 tỷ đồng dành để dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đầu tư công được xem là động lực rất quan trọng trong việc đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Vì vậy, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét, báo cáo, đề xuất Thủ tướng chấp thuận phân bổ đủ số vốn theo nhu cầu đã báo cáo cho năm 2022. Khi nguồn vốn đầu tư công được bổ sung đầy đủ, thành phố sẽ triển khai được nhiều DA giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng, đồng thời giảm được nạn ùn tắc giao thông. Cụ thể, bổ sung 180 tỷ đồng đối với DA xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (đi qua địa bàn huyện Bình Chánh) theo nhu cầu vốn năm 2022 của DA (300 tỷ đồng)…
Trước đó, thành phố cũng đã đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ 17.234 tỷ đồng để triển khai 3 DA trọng điểm cấp bách, đó là dự án cải tạo kênh Hy Vọng; dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; và dự án đầu tư đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (giai đoạn 2021-2025).
Đầu tư công là công cụ kích thích để tăng tổng cầu; nếu giải ngân đầu tư công ở mức 50.000-60.000 tỷ đồng, thì ước tính sẽ kích thích thị trường lên đến 500.000-600.000 tỷ đồng. Do vậy, việc được phân bổ đáp ứng đủ nhu cầu vốn đầu tư công cho TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng giúp thành phố phục hồi sau đại dịch.