Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2016 của TPHCM được các doanh nghiệp (DN) cam kết mạnh mẽ không chỉ tăng nguồn cung, mà còn chú trọng phát triển các sản phẩm sạch.
Quy tụ nhiều DN sản xuất đạt chuẩn VietGAP
Theo Sở Công thương TPHCM, chương trình BOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm năm 2016 và Tết Nguyên đán 2017 có 42 DN tham gia, trong số đó có 6 DN tham gia lần đầu. Điều đáng lưu ý, hầu hết các DN đang cung ứng các mặt hàng rau củ quả (là 1 trong 9 nhóm các mặt hàng bình ổn) đều là DN sản xuất đạt chuẩn VietGAP, có năng lực cung ứng hàng hóa với số lượng lớn như Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, Công ty TNHH Thảo Nguyên, HTX Nông nghiệp Phú Lộc, HTX Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An…
Kỹ sư nông nghiệp đang chăm sóc rau VietGAP cung ứng cho thị trường TPHCM Ảnh: UYỂN CHI
Bên cạnh việc sản xuất rau củ quả cung ứng cho các hệ thống siêu thị, các đơn vị này cũng đã tăng lượng hàng và tự phát triển thêm các điểm bán mới. Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào, cho biết mỗi ngày HTX cung ứng 49 tấn rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 2 cửa hàng trực tiếp của Anh Đào, 18 cửa hàng liên kết và hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op, Satra, Maximark. Theo kế hoạch, đến tháng 8-2016, HTX Anh Đào sẽ bắt đầu xuống giống các sản phẩm rau thủy canh. Như vậy, ngoài lượng rau VietGAP đang cung ứng, HTX sẽ đưa vào thị trường thêm 30% rau thủy canh, tạo nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Đây cũng là hướng đi mới của HTX Anh Đào.
Với Công ty Phong Thúy, dù là đơn vị vừa bước chân vào chương trình BOTT của TP, nhưng từ nhiều năm qua, Phong Thúy là nhà cung cấp chủ lực các mặt hàng rau củ quả cho các DN phân phối hàng bình ổn. Bên cạnh lợi thế có quỹ đất rộng lớn, Phong Thúy còn là DN thực hiện khép kín quy trình sản xuất từ việc tạo cây giống đến sơ chế, đóng gói. Tương tự, Công ty Thảo Nguyên cũng có thế mạnh trong việc cung ứng các loại rau củ quả VietGAP cao cấp như cà chua bi, dưa leo baby, cà rốt, bắp cải, cải ngọt, bông cải, xà lách các loại… Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty Thảo Nguyên, cho biết công ty đang nghiên cứu để đa dạng hóa các sản phẩm VietGAP, đồng thời tiến tới gieo trồng và cung ứng thêm các mặt hàng rau hữu cơ. Theo ông Sơn, chỉ trong một năm, Thảo Nguyên đã tăng từ 50 loại sản phẩm rau củ quả lên hơn 70 loại. Sản lượng hàng cung ứng hàng ngày cũng đạt trung bình ở mức 30 tấn, trong đó thị trường tiêu thụ chủ yếu là TPHCM.
Sẽ nhân rộng các điểm bán hàng VietGAP
Mặc dù có nhiều lợi thế về phát triển nguồn cung hàng rau VietGAP nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm của các DN vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm hoặc chưa thực sự tin tưởng là thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, mặc dù các sản phẩm sản xuất theo quy trình sạch có giá bán chỉ cao hơn 10% so với hàng sản xuất thông thường. Mặt khác, người bán cũng chỉ bán theo thói quen, tức ai mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, trong khi hàng VietGAP thường được đóng gói, có trọng lượng cụ thể. Cũng có một số cửa hàng treo bảng bán thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhưng chất lượng không đảm bảo đã gây bối rối cho người tiêu dùng khi lựa chọn. Điều này cũng ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch.
Ông Nguyễn Công Thừa cho biết, bên cạnh việc tăng cường phối hợp với các đối tác, các tiểu thương ở chợ truyền thống nhằm mở rộng đầu ra cho hàng VietGAP thì HTX Anh Đào cũng đang tiến tới đưa vào ứng dụng truy xuất nguồn gốc, dựa trên mã gắn trên mỗi bao bì sản phẩm, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Như vậy, với người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, biết được quy trình sản xuất sản phẩm mình mua.
Sở Công thương TPHCM cũng đang phối hợp với các sở liên quan (nông nghiệp, y tế) để xây dựng lại quy chế tham gia điểm bán, những tiêu chí điểm bán an toàn thực phẩm; đồng thời làm việc với một số tỉnh, thành khác về số lượng và chất lượng nguồn hàng. Khi hoàn thiện nội dung quy chế, sở sẽ mở rộng điểm bán thực phẩm an toàn tới tận hộ kinh doanh tại chỗ và các chợ truyền thống trên toàn TP. Theo đó, sở đã trình UBND TPHCM duyệt Đề án xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm tại hai chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Ngay khi đề án được duyệt, các tiêu chí về chợ an toàn thực phẩm rõ ràng thì việc thực hiện tại các chợ sẽ tiến hành ngay.
Với kinh nghiệm của một DN thử nghiệm thành công việc phân phối các sản phẩm VietGAP, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, chia sẻ để có được nguồn hàng ổn định, Saigon Co.op thường tiến hành ứng vốn cho các HTX, đồng thời hướng dẫn các hộ nông dân ngay từ đầu về quy trình sản xuất và thu hoạch, sẽ giúp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng dùng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình gieo trồng. Một yếu tố quan trọng là Saigon Co.op luôn cam kết việc bao tiêu giúp nhà vườn yên tâm sản xuất theo quy chuẩn, không lo lắng đầu ra. Nhờ vậy, Saigon Co.op đã trở thành nhà phân phối hàng đầu tại TPHCM đối với các mặt hàng VietGAP và thực phẩm an toàn.
HAI MIỀN