Tăng đối thoại - giảm khiếu kiện

Thời gian qua, UBND các quận huyện và lãnh đạo các sở ngành ở TPHCM đã tăng cường đối thoại, giải quyết những bức xúc của người dân liên quan đến nhiều vụ việc khiếu nại về nhà đất, công tác đền bù, tái định cư thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó, đã góp phần giảm số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài và bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân về các chính sách pháp luật liên quan.
Tăng đối thoại - giảm khiếu kiện

Thời gian qua, UBND các quận huyện và lãnh đạo các sở ngành ở TPHCM đã tăng cường đối thoại, giải quyết những bức xúc của người dân liên quan đến nhiều vụ việc khiếu nại về nhà đất, công tác đền bù, tái định cư thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó, đã góp phần giảm số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài và bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân về các chính sách pháp luật liên quan.

        Đối thoại để tìm căn nguyên khiếu nại

Từ năm 2010 đến nay, bà Trang Hồng Thu và hơn 20 hộ dân tại Dự án xây dựng Trường THPT Năng khiếu TD-TT (số 2 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao quận 1) có đơn khiếu nại Quyết định 2467/QĐ-UBND ngày 20-7-2010 của UBND quận 1 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thu hồi đất thực hiện dự án. Hiểu được những khó khăn và bức xúc của người dân khi bị thu hồi đất, từ tháng 6 đến nay, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Lưu Trung Hòa đã có nhiều cuộc đối thoại với dân để tìm biện pháp giải quyết. Các nội dung khiếu nại của bà Thu và một số hộ đã được lãnh đạo quận xem xét và ra thông báo giải quyết, có trường hợp được tăng tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 400 triệu đồng.

Cũng qua đối thoại, các hộ dân đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và chậm trễ giải quyết khiếu nại của dân. Trong đó, có một số trường hợp, hơn 3 năm UBND quận chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, gây cản trở quyền của công dân được khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến người dân.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến người dân.

Vụ khiếu nại của 25 hộ dân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng kéo dài nhiều năm và được UBND quận 2 tập trung giải quyết bằng nhiều biện pháp từ kết hợp công tác vận động, thuyết phục đến tuyên truyền, gặp gỡ, đối thoại với từng trường hợp. Hộ bà Phạm Thị Vinh (phường Bình An) từ chỗ nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu không chấp hành các quyết định hành chính, tìm mọi lý lẽ để viết đơn khiếu kiện gửi đi khắp nơi, sau khi được gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo UBND quận, bà Vinh đã tự giác rút đơn. Khi hiểu ra chính sách pháp luật của Nhà nước, bà Vinh còn vận động, tuyên truyền nhiều hộ dân thôi không tập trung đông người, khiếu nại vượt cấp nữa.

Quận 12 trong những năm qua có nhiều điểm nóng phức tạp về tình hình khiếu kiện đất đai, xây dựng. Trong đó, có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cả chục năm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chính sách pháp luật đất đai trên địa bàn. Để kéo giảm các vụ việc khiếu nại, định kỳ 6 tháng, quận tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với gần 300 tổ trưởng, tổ phó dân phố, cán bộ Ban MTTQ các khu phố của 11 phường trong quận để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân. Mỗi cuộc gặp, đối thoại như vậy đã thu nhận được hàng trăm ý kiến phản ánh về những vướng mắc, khó khăn từ thực tế và những bức xúc của người dân trên các lĩnh vực.

Qua đó, các phòng ban chức năng trong quận tiến hành sàng lọc, phân loại thành từng vấn đề cụ thể, sau đó phối hợp với UBND các phường gặp dân hướng dẫn, giải thích pháp luật. Cách làm này như đánh giá của Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Tương Minh, chính là việc chủ động đi tìm căn nguyên phát sinh khiếu nại để giải quyết tận gốc, làm cho người dân hiểu và tự giác chấp hành các quyết định do cơ quan hành chính ban hành.

        Đối thoại cần thực chất

Thực tế tại các quận huyện cho thấy việc tổ chức đối thoại dân có nơi thực hiện còn hình thức, đối thoại để ép dân chấp nhận hướng giải quyết không theo quy định pháp luật hiện hành. Nhiều vụ việc khiếu nại tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… kéo dài nhiều năm đã không được chính quyền tổ chức đối thoại trước khi ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Thực tế này dẫn đến tình trạng nhiều nơi có đến hơn 80% các quyết định giải quyết khiếu nại bị người dân khiếu nại lần hai lên cấp cao hơn. Việc thiếu tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật trong quá trình thực hiện các quyết định hành chính cũng dẫn đến nguyên nhân phát sinh khiếu nại của công dân, có nơi có đến hơn một nửa quyết định hành chính ban hành ra bị người dân khiếu nại.

Theo ông Lâm Đình Chiến, Chánh Thanh tra TP, quy định của Luật Khiếu nại, chỉ những trường hợp khiếu nại lần đầu thấy cần thiết mới tổ chức đối thoại. Những vụ việc khiếu nại lần hai, trước khi ban hành quyết định giải quyết, cơ quan thẩm quyền phải tổ chức đối thoại với dân. Đây là quy định bắt buộc, nếu nơi nào giải quyết khiếu nại mà chưa đối thoại xem như đã vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm. Hình thức và nội dung đối thoại theo ông Lâm Đình Chiến, cũng cần phải đổi mới, sáng tạo hơn trong cách làm để chính quyền nghe được những bức xúc của dân và người dân thấy rõ hơn chính sách pháp luật và quyền lợi, nghĩa vụ công dân của mình trong việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan, tránh phát sinh những vụ việc phức tạp, kéo dài không cần thiết.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục