Tăng giá điện lúc này là bất lợi

Tăng giá điện lúc này là bất lợi

Với nhiều chuyên gia kinh tế cũng như nhiều người dân, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 19-12 ra thông báo tăng giá điện khoảng 5% kể từ 20-12 là hết sức bất ngờ. Quyết định này gây nhiều dư luận trái chiều. PV Báo SGGP đã trao đổi với chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm.

Công nhân Tổng Công ty Điện lực TPHCM lắp đặt biến thế mới tại quận 11. Ảnh: Cao Thăng

Công nhân Tổng Công ty Điện lực TPHCM lắp đặt biến thế mới tại quận 11. Ảnh: Cao Thăng

- Phóng viên: Thưa ông, ông đón nhận tin tăng giá điện của EVN như thế nào?

Ông CAO SỸ KIÊM: Quyết định này là khá bất ngờ vì nhiều cam kết của cơ quan điều hành đưa ra trước đó đều khẳng định việc điều chỉnh giá phải theo lộ trình và tránh gây sốc cho nền kinh tế. Nhưng về lý, EVN có lý của họ. Thứ nhất là theo quy chế của Chính phủ, khi đủ các yếu tố, EVN có quyền tăng giá điện ở mức khoảng 5%. Thứ hai, do EVN lỗ nhiều quá nên đã đến lúc họ phải tăng để bù vào chi phí sản xuất điện.

- Nhưng tăng giá điện trong thời điểm nhạy cảm này là rất không nên, thưa ông?

Đối với toàn cục, tăng giá điện trong thời điểm này là hết sức bất lợi. Một là nền kinh tế đang khó khăn, cuối năm vốn thiếu, giá cả dễ tăng, doanh nghiệp đang rất khó khăn vì chi phí cao. Giá điện lại có tính lan tỏa lớn, tác động đến nhiều mặt hàng nên tăng giá điện chắc chắn tác động dây chuyền.

Mặt khác, tâm lý xã hội hiện nay đang nặng nề về trình độ quản lý, hiệu quả đầu tư, tỷ lệ thất thoát điện lớn cũng như những khoản thua lỗ ngoài ngành mà EVN gây ra như báo cáo Kiểm toán Nhà nước đã đề cập. Tất cả những vấn đề này chưa được EVN giải quyết, lý giải thỏa đáng mà lại đi tăng giá điện, vì thế tâm lý xã hội cho rằng doanh nghiệp, người dân đang phải gánh chịu sự yếu kém, thua lỗ của EVN.

Vì vậy, về mặt lý EVN tăng giá điện không có gì phải phê phán, nhưng về mặt xã hội tăng giá điện lúc này là bất lợi, phản cảm. Theo tôi, EVN không nên tăng giá điện vào thời điểm này khi chưa lý giải hết với xã hội những vấn đề nổi cộm của mình.

- Theo giải trình của Bộ Công thương và EVN, mức tăng giá lần này chỉ khoảng 5% nên doanh nghiệp không phải chờ ý kiến phê duyệt của Thủ tướng. Nhưng nhiều ý kiến cũng lo ngại EVN sẽ “lách” Chính phủ bằng cách lần này tăng 5%, lần sau cũng tăng 5%, vài lần như thế cộng lại sẽ thành mức tăng lớn?

Như tôi đã nói, EVN được phép tăng giá điện khoảng 5%, vì vậy không bắt bẻ họ được. Nhưng đúng là Chính phủ sẽ phải xem lại cách chỉ đạo theo ngành dọc. Phải rút kinh nghiệm từ việc này, nhất là liên quan đến việc tăng giá các mặt hàng quan trọng trong những thời điểm nhạy cảm. Tăng giá phải có sự đồng thuận của dư luận. Tăng giá mà để tạo ra tâm lý xã hội như EVN vừa làm (để xã hội nghĩ là doanh nghiệp, người dân phải gánh lỗ thay EVN) là rất không hay.

Mặt khác, EVN phải làm rõ, lý giải rõ với xã hội tất cả những vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố.

Phan Thảo thực hiện

Tin cùng chuyên mục