Tăng khả năng nhận diện chỉ dẫn địa lý sản phẩm

Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam đang được nhà đầu tư đến từ Thái Lan sở hữu.
Theo kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018, sản phẩm trong nước dù chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ số đông người tiêu dùng (NTD) yêu thích và thường mua dùng (51% và 60%), nhưng tỷ lệ này đã giảm đáng kể (lần lượt giảm 27% và 32%) so với kết quả khảo sát năm 2017. Sự thâu tóm hệ thống kênh bán lẻ của các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tạo lợi thế rất lớn đối với sự góp mặt, cũng như gia tăng giành thị phần của sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Tăng khả năng nhận diện chỉ dẫn địa lý sản phẩm ảnh 1 Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh tại TPHCM không ngừng đổi mới sản phẩm
Làn sóng hàng ngoại Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam đang được nhà đầu tư đến từ Thái Lan sở hữu đó là Mega Market (tên gọi cũ Metro) với 19 siêu thị, B’smart 75 cửa hàng tiện lợi, Big C 32 siêu thị và Robinson với chuỗi siêu thuộc doanh nghiệp (DN) Thái Lan, chưa kể Central Group đang nắm 49% cổ phần tại hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim…  Còn các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã từng bước thâm nhập thị trường Việt Nam với các đại siêu thị Aeon Mall, Trung tâm Thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích Family Mart và gần nhất là hệ thống 7-Eleven. Hàn Quốc cũng gắn liền với tên tuổi của Lotte Mart, Emart, mới đây là SG25… Không dừng lại ở việc “thâu tóm” không gian kết nối NTD với sản phẩm, các doanh nghiệp Thái, Nhật, Hàn… còn chủ động thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm thu hút và chinh phục NTD Việt, cùng với đó là sự hỗ trợ cần thiết và hiệu quả từ các cơ quan hữu trách để từng bước đưa hàng hóa từ các quốc gia này vào thị trường Việt Nam.  Có thể thấy, trong cuộc đua trên thị trường, sản phẩm của DN, quốc gia nào chinh phục được niềm tin của NTD sẽ thắng thế trong bối cảnh truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang ngày càng được quan tâm. Trong đó, hệ thống bán lẻ là nhân tố quan trọng, tạo được không gian để sản phẩm có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục NTD, không chỉ là chiến lược của nhiều nhà bán lẻ ngoại mà còn là chuỗi hợp tác của DN nước sở tại khi tham gia vào thị trường các nước tiềm năng. Các tập đoàn phân phối, nhà bán lẻ nước ngoài luôn có chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, nên khi phát triển hệ thống bán lẻ sẽ kéo theo hàng hóa của họ vào thị trường bản địa và tạo ra đặc trưng riêng của hệ thống bán lẻ, giúp thu hút khách hàng đến với thương hiệu bán lẻ đó. Đơn cử, NTD có thể dễ dàng mua sắm và tìm kiếm sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ xứ sở kim chi với chủng loại đa dạng tại hệ thống siêu thị Lotte Mart, Emart  (Hàn Quốc); xứ sở đất nước hoa anh đào tại hệ thống Aeon… Sở Công thương TPHCM nhận xét, so với sự lớn mạnh và mở rộng thị phần không ngừng của các nhà bán lẻ nước ngoài thì ngoại trừ một số đơn vị bán lẻ trong nước như Saigon Co.op, Satra, Vingroup... có quy mô hệ thống tương ứng, có thể cạnh tranh lại, số còn lại phần lớn là các siêu thị quy mô nhỏ lẻ (1 - 2 siêu thị), nguồn lực hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm quản lý điều hành còn nhiều bất cập nên rất khó cạnh tranh. Đồng thời, các DN bán lẻ nội địa chưa tìm được tiếng nói chung, các hiệp hội chưa quan tâm đúng mức đến việc hình thành các trung tâm phân phối hàng hóa và chuỗi cung ứng (logistics)… đã dẫn đến sự yếu kém của hệ thống bán lẻ trong nước so với hệ thống có yếu tố nước ngoài. Cạnh tranh bằng sản phẩm bản địa Theo các chuyên gia kinh tế, để cải thiện năng lực cạnh tranh, các nhà bán lẻ nội địa cần nhận thức rõ tình hình và có những giải pháp thích hợp, hiệu quả hơn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các DN Việt, nhất là DN nhỏ và vừa, cần chủ động liên kết và hợp tác để tăng và giữ vững thị phần trên sân nhà, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Song song với sự nỗ lực của DN, Chính phủ cũng như bộ ngành cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo đòn bẩy để các nhà bán lẻ nội địa từng bước khắc phục những khó khăn nội tại trong cuộc cạnh tranh không cân sức, do năng lực tài chính giới hạn, thiếu tính chuyên nghiệp, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ toàn cầu; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống công nghệ thông tin, logistic yếu và thiếu, bị cạnh tranh quyết liệt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… Thông qua đó, tạo nền tảng cơ sở cho các nhà bán lẻ nội địa có điều kiện thuận lợi và tăng khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn, đặc biệt tính liên kết hợp tác và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.  Với kinh nghiệm hơn 5 năm hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Việt Nam, bà Delphine Marrie -Vivien, chuyên gia Pháp, chỉ ra rằng NTD ngày càng quan tâm hơn đối với quy trình sản xuất sản phẩm, vấn đề đảm bảo an toàn và chất lượng; bền vững về môi trường, đạo đức về mặt xã hội… Tiếp theo đó là việc có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trân trọng các giá trị truyền thống và đặc thù văn hóa vùng miền. Đặc biệt, NTD sẵn sàng trả tiền nếu sản phẩm đó có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, đảm bảo những yêu cầu kể trên. Thực tế, nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã và đang mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất và lợi ích kinh tế quốc gia. Đơn cử, có thể kể đến món chả mực Hạ Long đã tăng giá bán 15% sau khi có chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong cũng tăng giá 30%... Liên quan đến kinh nghiệm phát triển thị trường, đổi mới sản phẩm và tài nguyên bản địa quốc gia, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia thị trường, cho rằng khi thương mại hóa sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu, kèm theo chỉ dẫn địa lý, nên cần tổ chức nhiều hoạt động để tăng khả năng nhận diện chỉ dẫn địa lý như một thương hiệu. Trong đó, nhà bán lẻ nội địa và các đơn vị sản xuất trong nước cần có giải pháp quảng bá hiệu quả như thiết kế vị trí đẹp trong các hệ thống bán lẻ, kênh phân phối hiện đại để giới thiệu sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, không ngừng thúc đẩy tăng giá trị bằng việc tạo ra sản phẩm mới thông qua cải thiện mẫu mã, bao bì, nhãn mác, chứng nhận giải thưởng…  Trong bối cảnh thị trường thương mại tự do đòi hỏi năng lực cạnh tranh không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà ngay trên sân nhà, nhà bán lẻ cũng như DN cần ý thức nghiêm túc chỉ dẫn địa lý, nhân hóa các thương hiệu sản phẩm có chỉ dẫn địa lý thông qua truyền tải thông điệp giá trị văn hóa, bản sắc địa phương để tăng sự nhận diện.

Tin cùng chuyên mục