Tăng lượng cà phê cho tiêu dùng nội địa

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cà phê trở thành một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành nông nghiệp. Niên vụ 2011 - 2012 xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn cà phê, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng gần 7% về lượng và 56% về giá trị so với niên vụ trước.
Tăng lượng cà phê cho tiêu dùng nội địa

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cà phê trở thành một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành nông nghiệp. Niên vụ 2011 - 2012 xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn cà phê, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng gần 7% về lượng và 56% về giá trị so với niên vụ trước.

Cà phê rang xay cho tiêu dùng nội địa ngày càng nhiều hơn

Cà phê rang xay cho tiêu dùng nội địa ngày càng nhiều hơn

Chủ động thu mua ngay đầu vụ

Tuần qua, tại TPHCM, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển và xuất khẩu cà phê. Theo đó, niên vụ cà phê 2011 - 2012 đang thu hoạch, Agribank đã giải ngân 700 tỷ đồng và cam kết đáp ứng 5.000 tỷ đồng để các doanh nghiệp (DN) mua cà phê.

Điều quan trọng hơn, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết, Agribank sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn vay để DN đầu tư công nghệ nhằm làm giảm thất thoát sau thu hoạch, sẵn sàng tham gia việc cung ứng vốn vay các bên trong chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê. Agribank là ngân hàng đáp ứng phần lớn nhu cầu vốn vay của khoảng 100.000 hộ dân, trang trại trồng cà phê cả nước, đặc biệt là Tây Nguyên, khu vực trồng cà phê lớn nhất nước; và khoảng 400 DN liên quan đến ngành cà phê với tổng dư nợ hàng năm khoảng 13.000 - 15.000 tỷ đồng.

Trước đó, để chủ động nguồn hàng và không để giá cà phê xuống quá thấp khi vào vụ thu hoạch, ảnh hưởng đến thu nhập người trồng cà phê, Câu lạc bộ các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu (trực thuộc Vicofa) đã thống nhất mua tạm trữ từ 300.000 tấn cà phê trở lên trong niên vụ này. Thời điểm mua từ tháng 11-2011 đến tháng 1-2012, tạm trữ từ 6-9 tháng.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, kiêm chủ nhiệm CLB, đây là cách chủ động điều tiết thị trường, tránh rủi ro khi bán trao tay hay bán cái chưa có. Đặc biệt trong bối cảnh thông tin nước ngoài cho rằng, niên vụ mới Việt Nam trúng mùa, có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Một ban điều hành sẽ được thành lập gồm những công ty tham gia mua tạm trữ nhằm theo dõi, kiểm tra, trao đổi những khó khăn có thể xảy ra để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, ổn định giá cả nhằm bảo đảm lợi nhuận khoảng 30% trở lên cho người trồng cà phê và lợi nhuận của DN. Con số đăng ký mua tạm trữ của 16/20 công ty lên đến 432.000 tấn cà phê.

Tăng sản lượng tiêu thụ nội địa

Trước đây trên 95% cà phê thu hoạch dành cho xuất khẩu. Hiện nay, sản lượng cà phê trong tiêu thụ nội địa bắt đầu nhích lên. Nhiều sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê rang xay cho tiêu dùng nội địa ngày càng nhiều hơn, từng bước tạo thương hiệu cà phê xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đầu tháng 10 vừa qua, cà phê hòa tan G7 của Công ty Cà phê Trung Nguyên chính thức vào hệ thống siêu thị bán lẻ của hai tập đoàn hàng đầu thế giới là Costco (thứ 3 của Hoa Kỳ) và E-Mart (số 1 của Hàn Quốc).

Đơn hàng đầu tiên được giao từ nay đến cuối năm, 100 container cà phê hòa tan G7 sẽ giao cho Costco và 15 container cho E-Mart. Được biết, để vào hệ thống các siêu thị này, cà phê hòa tan G7 phải vượt qua nhiều bước kiểm định khắt khe của các đơn vị thẩm tra quốc tế SGS và Bureau Veritas đại diện cho hai đối tác này. G7 phải đáp ứng hơn 20 tiêu chí, từ chính sách nhà máy sản xuất, cơ sở hạ tầng trang thiết bị, công nghệ chế biến, công tác nghiên cứu, thí nghiệm, đến nguyên liệu, quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản xuất, bảo quản, vận chuyển, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, cũng như những quy định, chính sách làm việc cùng nhà cung cấp…

Theo Vicofa, sản phẩm cà phê được chế biến sâu (cà phê hóa tan và rang xay) khoảng 80.000 tấn/năm, chiếm khoảng 6% - 7% tổng lượng cà phê thu hoạch. Gần đây, có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng và mở rộng nhà máy chế biến cà phê hòa tan như Vinacafe Biên Hòa, Trung Nguyên, Thái Hòa, Nestlé, Olam, An Thái, Ngon...

Trong đó, Đắc Lắc - tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, có nhiều dự án lớn đã được đầu tư: Công ty Cà phê Trung Nguyên có dự án nhà máy chế biến cà phê bột và hòa tan 60.000 tấn/năm, Công ty Cà phê An Thái với nhà máy chế biến cà phê hòa tan 1.000 tấn/năm, Công ty Cà phê Ngon có nhà máy chế biến cà phê hòa tan 10.000 tấn/năm…
Dự kiến năm 2012, lượng cà phê bột và hòa tan từ 8% hiện nay lên khoảng 15% tổng lượng cà phê của tỉnh. Riêng cà phê rang xay có thương hiệu xuất hiện nhiều hơn trên thị trường trong nước như Trung Nguyên, Vinacafe, Higlands, Gloria, The Coffee Beans, Nam Nguyên… với lượng cà phê nhân sử dụng hàng năm khoảng 35.000 tấn. Đó là chưa kể cà phê không nhãn hiệu, với bao bì đơn giản, bỏ mối tiêu thụ các quán cà phê khắp cả nước, khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/năm.

Bên cạnh xuất khẩu, việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước để tạo thế cân bằng giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là điều cần hướng tới như cách mà các nước đã làm.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục