Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội - Đảm bảo lương hưu đủ sống

UBND TPHCM vừa có công văn gởi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đề nghị tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm đảm bảo mức lương hưu đủ sống cho người về hưu. Vấn đề này nhận được sự quan tâm, đồng thuận của nhiều người lao động và chuyên gia về lao động. Thế nhưng, đến bao giờ mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ sát với mức lương, thu nhập thực trả?
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội - Đảm bảo lương hưu đủ sống

UBND TPHCM vừa có công văn gởi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đề nghị tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm đảm bảo mức lương hưu đủ sống cho người về hưu. Vấn đề này nhận được sự quan tâm, đồng thuận của nhiều người lao động và chuyên gia về lao động. Thế nhưng, đến bao giờ mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ sát với mức lương, thu nhập thực trả?

Khi nghỉ hưu các cụ già sẽ thanh thản hơn nếu nhận được khoản lương hưu đủ trang trải cho cuộc sống. Ảnh: Các cụ già ở quận 8 sinh hoạt tại công viên vào buổi sáng. Ảnh: P.ĐỨC

Khi nghỉ hưu các cụ già sẽ thanh thản hơn nếu nhận được khoản lương hưu đủ trang trải cho cuộc sống. Ảnh: Các cụ già ở quận 8 sinh hoạt tại công viên vào buổi sáng. Ảnh: P.ĐỨC

Lương hưu thấp = không đủ sống

Th.S Nguyễn Thanh H. công tác tại một trường đại học ở TPHCM với thâm niên trên 20 năm, cho biết: “Tổng thu nhập hàng tháng của tôi, kể cả dạy thêm, làm đề tài nghiên cứu khoa học hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. Thế nhưng, tách riêng khoản lương tính theo thang bảng lương nhà nước, tôi được lãnh mỗi tháng trên 4 triệu đồng. Dựa vào mức lương cơ bản ghi trong hợp đồng lao động này thì đến khi về hưu, tôi chỉ được nhận khoảng gần 3 triệu đồng/tháng. Làm sao người về hưu có thể sống được bằng lương hưu?”.

Theo anh Trần Hoàng Thế, chuyên gia kinh tế của một công ty cổ phần ở TPHCM, tiền lương và thu nhập bình quân hàng tháng của anh là 1.000 USD, thậm chí cao hơn nếu làm thêm giờ, thêm việc. Thế nhưng, công ty chỉ đóng BHXH cho anh theo mức lương cơ bản ghi trong hợp đồng lao động đối với lao động có trình độ chuyên môn tay nghề là 5 triệu đồng. Như thế, đến khi về hưu, tiền lương hưu mà anh Thế được lãnh chỉ bằng 75% mức lương ghi trong hợp đồng lao động (bình quân 5 năm cuối). Anh Thế tâm sự: “Tôi chấp nhận đóng BHXH theo mức cao, theo tổng thu nhập hàng tháng để về già có mức lương hưu khá, đủ sống. Thế nhưng, chủ sử dụng viện lý do này lý do khác không chịu đóng BHXH cho tôi và nhiều lao động khác theo mức thu nhập thực tế…”.

Có rất nhiều người lao động ở khu vực kinh tế nhà nước lẫn tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài, đến khi hết tuổi lao động, lãnh sổ hưu mới giật mình, lo lắng vì lương hưu quá thấp, không đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của tuổi già. Tuy nhiên, theo BHXH TPHCM, cũng có nhiều trường hợp được lãnh mức lương hưu khá cao, từ trên dưới 10 triệu đến gần 20 triệu đồng/tháng. Đó là những người lao động từng làm việc ở các văn phòng đại diện của nước ngoài, cán bộ lãnh đạo nhà nước làm việc ở các đơn vị liên doanh… đã tham gia BHXH với mức đóng cao, sát với mức lương thực trả.

Khảo sát thực tế cho thấy, phần đông người lao động ở các khu vực kinh tế từ nhà nước đến tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài chỉ quan tâm đến thu nhập thực tế (tiền lương, cộng với các khoản tiền phụ cấp, làm thêm giờ…) có đủ sống hay không mà ít quan tâm đến mức lương cơ bản ghi trong hợp đồng lao động làm cơ sở đóng BHXH và ảnh hưởng của việc đóng thấp thì hưởng thấp khi về già. Lợi dụng điều này, đa phần người sử dụng lao động đều “lách luật” và chẻ nhỏ tiền lương theo nhiều cách như trả lương chính thấp hơn phần lương phụ (phụ cấp, ăn trưa, làm thêm giờ…). Về phía người lao động, do tâm lý cần việc làm hoặc thiếu kiến thức nên chỉ nghĩ đến quyền lợi trước mắt, chưa chủ động thương lượng về tiền lương, mức đóng BHXH…

Cần thay đổi chính sách tiền lương

Từ năm 2010, mức đóng BHXH đã tăng hơn so với trước đây, trong đó người sử dụng lao động đóng 16% và người lao động đóng 6% (mức đóng này sẽ tăng thêm 2% vào năm 2014). Tuy tỷ lệ tăng lương hưu những năm gần đây khá nhanh, nhưng do mức đóng BHXH thấp nên lương hưu không đủ đảm bảo đời sống nói chung. Các chuyên gia về lao động cảnh báo: Việc thả nổi các kiểu “lách luật” trong trả lương, thu nhập và “hợp thức hóa” việc đóng BHXH theo mức lương cơ bản ghi trong hợp đồng sẽ gây hậu họa khó lường cho 10-20 năm sau - khi người lao động hết tuổi lao động, nghỉ hưu. Việc quy định và vận dụng mức tiền lương tối thiểu làm căn cứ trả lương đang làm méo mó, lệch lạc chính sách tiền lương, thu nhập, tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động trục lợi trên sự đóng góp, cống hiến của người lao động. Thiệt thòi cuối cùng thuộc về người lao động.

Một vấn đề hiển hiện rất đáng báo động là ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động, người lao động phải làm việc với cường độ cao, tăng ca nhiều, sức lao động bị vắt kiệt nhanh nên tuổi lao động rút ngắn hơn. Thế nhưng, khi hết tuổi lao động hoặc nghỉ mất sức lao động, họ chỉ được hưởng trợ cấp, lương hưu rất thấp. Như thế tận dụng nguồn lao động giá rẻ, chi phí thấp, cộng thêm các kiểu “lách luật”, kể cả khai báo “lỗ giả”, các nhà đầu tư nước ngoài thu về khoản lợi nhuận kếch sù. Nhằm tăng lợi nhuận, giảm chi phí đầu vào, hầu hết các chủ sử dụng lao động đều không muốn tăng mức đóng BHXH sát theo tiền lương, thu nhập thực tế. Chính vì thế, nhà nước cần phải xem xét lại các quy định và sớm điều chỉnh luật pháp về lao động, nhất là chính sách tiền lương sao cho phù hợp với thực tế.

 Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động Tiền lương - Tiền công (Sở LĐTB-XH TPHCM): Cần định nghĩa đúng tiền lương

Hiện nay, các doanh nghiệp thường xây dựng thang lương, bảng lương thấp dựa trên quy định lương tối thiểu vùng cộng thêm 7% cho đối tượng đã qua đào tạo và 5% làm việc trong môi trường độc hại. Điều này không vi phạm quy định trả lương tối thiểu do nhà nước quy định nhưng lại dễ dàng “lách luật”, băm nhuyễn tiền lương dẫn đến thực tế phần lương chính thường trả thấp hơn phần lương phụ và đóng BHXH dựa trên mức lương cơ bản ghi trong hợp đồng (chỉ có phần chính). Vì thế, cần phải cải tiến chính sách tiền lương, làm rõ định nghĩa tiền lương là những khoản nào để đưa tất cả các khoản thu nhập được trả cho người lao động vào lương. Cơ sở trả lương phải dựa trên năng lực, trình độ chuyên môn, chất xám và năng suất, hiệu quả làm việc. Nên quy định mức đóng BHXH thấp nhất phải bằng bao nhiêu % tổng thu nhập từ công việc tại nơi đóng BHXH cho người lao động, trong đó bao gồm cả phụ cấp, tiền ăn trưa, làm thêm… Tổ chức công đoàn phải giám sát việc trả lương, xây dựng thang bảng lương có thỏa đáng hay không.

Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM:  Mức đóng bảo hiểm xã hội phải thống nhất

Khi kiểm tra việc đóng BHXH, chúng tôi luôn yêu cầu kiểm tra tổng quỹ lương của doanh nghiệp, đơn vị kèm theo các quy định trả lương của nhà nước. Tuy nhiên, khi phát hiện đơn vị “lách” luật - chỉ đóng BHXH theo mức lương ghi trong hợp đồng lao động thì không có cơ sở để “vạch trần”. Từ lâu chúng tôi đã kiến nghị việc đóng BHXH phải dựa trên mức lương thực tế, đảm bảo sự công bằng về quyền lợi cho người lao động. Để làm được điều này thì chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội phải thống nhất - trong và ngoài quốc doanh như nhau, chứ không nên duy trì nhiều cách trả lương, thu nhập như hiện nay.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục