Sáng 7-1, tại TP Thái Nguyên đã xảy ra một vụ nổ mìn với sức công phá lớn làm sập mặt tiền và trần tầng trệt nhà riêng Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên. Còn phải chờ kết quả điều tra để biết do tư thù hay chống người thi hành công vụ, nhưng đây là một vụ chấn động vì nhằm vào một cán bộ công an cấp cao. Cũng trong ngày 7-1, tại TP Móng Cái, khi công an đến yêu cầu giao nộp lựu đạn đang dùng đe dọa chủ quán, một tên lưu manh đã bất ngờ ném thẳng quả lựu đạn về phía lực lượng chức năng làm 1 thiếu tá công an và 5 người khác trọng thương.
Chỉ trước đó 2 ngày, ngày 5-1, tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, đã xảy ra một vụ chống trả lực lượng công an làm nhiệm vụ cưỡng chế bằng cách gài mìn và xả súng tấn công. Và trong thời gian gần đây tại các địa phương liên tục xảy ra các vụ tội phạm nổ súng hung hãn chống trả, giết hại người thi hành công vụ. Đây không chỉ là những hành vi manh động, thiếu kiềm chế nhất thời, mà là chỉ dấu tội phạm lộng hành, xem thường pháp luật đang bùng phát.
Phải thừa nhận đã có những trường hợp dẫn đến việc chống người thi hành công vụ do người thi hành công vụ lạm quyền, nhũng nhiễu, xúc phạm, thiếu tư cách nên bị chống trả một cách manh động, thiếu kiềm chế. Nhưng không gì có thể biện minh cho những người bị phát hiện có vi phạm pháp luật phải xử lý nhưng không chấp hành mà còn chống người thi hành công vụ.
Tại nhiều cuộc tiếp xúc giữa đại biểu dân cử và cử tri các địa phương, đã có nhiều ý kiến lưu ý quy định pháp luật hiện hành chưa đủ nghiêm để ngăn chặn, răn đe các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công an thi hành công vụ. Theo quy định của Điều 257 Bộ luật Hình sự, tội chống người thi hành công vụ chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thậm chí với các trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm… cũng chỉ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Đương nhiên kẻ chống người thi hành công vụ không những bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ mà còn có thể lĩnh thêm mức án ở tội danh khác tùy theo hậu quả hành vi gây ra, song những người thi hành công vụ khó có thể yên tâm khi Điều 257 Bộ luật Hình sự không thể hiện sự kiên quyết bảo vệ họ.
Thực tế số vụ chống người thi hành công vụ bị đưa ra xét xử ít hơn rất nhiều so với số vụ bị cơ quan điều tra khởi tố, vì để củng cố chứng cứ, hoàn thành hồ sơ truy tố đối tượng về tội danh này là việc không đơn giản. Nhiều khi do sự phán xét thiếu khách quan, vội vã của dư luận khiến sự việc trở nên phức tạp. Nếu như xác định chống người đang thi hành công vụ chính là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng - giống như quy định hiện hành tại nhiều nước - thì chắc chắn bọn tội phạm hay người bị phát hiện vi phạm sẽ phải chùn tay, không dám lăng mạ, đe dọa, tấn công, giết hại các cán bộ kiểm lâm, cảnh sát giao thông, công an… đang mặc sắc phục làm nhiệm vụ.
Không chỉ thiếu sự bảo vệ có hiệu quả của pháp luật, những người thi hành công vụ cũng thiếu những thiết bị, phương tiện để phòng vệ và xử lý các hành vi chống đối. Trong thời gian qua đã xảy ra rất nhiều trường hợp người vi phạm giao thông chống trả cảnh sát giao thông bằng vũ lực, thậm chí lao thẳng xe vào cảnh sát giao thông. Trong khi đó, nhiều cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ chỉ có còi và gậy chỉ huy giao thông, không có gì phòng vệ, nên hoàn toàn bị động trước các đối tượng cố ý chống đối.
Một vấn đề khác rất đáng lo ngại, trong thời gian gần đây bọn tội phạm rất dễ dàng tìm mua các loại súng, từ súng bút tự tạo đến súng hoa cải và cả các loại súng quân dụng. Đã có những băng chuyên cướp tiệm vàng sẵn sàng nhả đạn vào nạn nhân và người truy đuổi, sau khi xong một “phi vụ” là thủ tiêu súng rồi dễ dàng mua ngay được súng khác cho vụ “ăn hàng” mới, nhằm làm cho cơ quan điều tra bị mất dấu. Do vậy việc tăng cường phương tiện phòng vệ và năng lực chống tội phạm cho lực lượng công an là điều cấp bách.
Huỳnh Thanh Luân