Ngày 20-12, 3 quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đệ đơn từ chức vì có nhiều thiếu sót trong công tác an ninh khiến lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, Libya bị tấn công, gây nhiều thương vong hồi tháng 9. Đây là sai lầm lớn trong bộ máy ngoại giao ở nhiệm kỳ đầu của Tổng thống B.Obama, càng khiến người dân Mỹ, vốn quá chán ngán những cuộc chiến dai dẳng mà Mỹ can dự, thêm thất vọng.
Liên quan tới vấn đề này, tờ CS Monitor đã có bài phân tích nhan đề “Ông Kerry và ông Hagel sẽ làm được gì trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama?”. Bài viết nhấn mạnh chiến lược ưu tiên dùng sức mạnh mềm trong quan hệ ngoại giao của Tổng thống Obama nhiệm kỳ 2.
Ở nhiệm kỳ thứ hai được cho là chông gai hơn gấp nhiều lần nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama đang đối mặt với sự chỉ trích gay gắt của đảng Cộng hòa, vốn đánh giá ông Obama là nhà lãnh đạo mềm yếu, luôn phải xin lỗi người dân. Tuy nhiên, con đường mà ông Obama chọn là sử dụng nhiều “cà rốt” hơn “gậy gộc”, thêm nhiều ý tưởng thuyết phục hơn là những lời đe dọa và sự trừng phạt.
Cả hai vị trí quan trọng trong nội các mới: Thượng nghị sĩ (TNS) John Kerry vào vị trí Ngoại trưởng và TNS Chuck Hagel là Bộ trưởng Quốc phòng đều là những nhân vật có xu hướng ôn hòa. Ông John Kerry từng tham chiến tại Việt Nam và cũng là một trong những người tích cực tham gia phong trào phản chiến sau đó. Với thâm niên gần 40 năm làm việc tại trung tâm chính sách đối ngoại Mỹ, phương châm ngoại giao của John Kerry là: “Giành chiến thắng trong chiến tranh không khó, giành được hòa bình mới khó”.
Đối với vấn đề Syria, một trong những điểm nóng của khu vực Trung Đông hiện nay, ông Kerry luôn chủ động đề xuất đàm phán trực tiếp với Tổng thống Bashar al-Assad. Ông cũng tạo được uy tín khi giúp ổn định mối quan hệ của Washington với Afghanistan và Pakistan. Trong khi đó, ông Chuck Hagel, từng giữ vị trí Chủ tịch Phân ban xúc tiến thương mại, xuất khẩu, chính sách kinh tế quốc tế và quan hệ đối ngoại, được nhắc đến là người luôn nói không với các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế. Về vấn đề chính trị, ông cũng chủ trương đàm phán, như việc đàm phán với nhóm Hamas ở Palestine.
Đã đến lúc Mỹ nhìn lại sự cấm vận trừng phạt kinh tế lâu dài của mình với nhiều nước, chẳng hạn như với Cuba, CHDCND Triều Tiên liệu còn cần thiết? Về phần đàm phán chính trị, điều khó khăn của ông Obama là việc làm thế nào Mỹ đàm phán với Taliban để chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan? Làm sao giải quyết ổn thỏa chuyện chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cũng hành xử thế nào trước những vấn đề nóng về biển đảo ở khu vực châu Á mà không ảnh hưởng vị thế của Mỹ?
Tổng thống Obama đang chuẩn bị cho lễ nhậm chức sắp tới vào tháng 1-2013. Lộ trình ngoại giao trong 4 năm tới cũng sẽ được trình bày cụ thể trước người dân Mỹ nhân dịp này. Thượng nghị sĩ Chuck Hagel từng phát biểu: “Nước mạnh cần tỏ ra là “người lớn” trong các vấn đề quốc tế”, nếu làm ngược lại sẽ chỉ tạo ra tai họa đối với tình trạng xung đột toàn cầu. Không dễ để thành công với phong cách mới nhưng với hai trợ lý đã được nhắm đến trong lĩnh vực sống còn là ngoại giao và quốc phòng, Tổng thống Obama sẽ thuận lợi hơn trong việc cân bằng để đạt hiệu quả cao nhất.
NHƯ QUỲNH