Tăng sức chiến đấu cho chi bộ khu phố, ấp

Đến nay, hầu hết các chi bộ cơ quan phường, xã trên địa bàn TPHCM đã giải thể và chuyển đảng viên là cán bộ về sinh hoạt tại chi bộ khu phố, ấp theo Kế hoạch 252 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Việc chuyển cán bộ về sinh hoạt Đảng tại chi bộ khu phố, ấp đã tạo nhiều thuận lợi trong việc hỗ trợ địa bàn khu dân cư, nhưng cũng dẫn đến không ít khó khăn trong công tác đánh giá, nhận xét cán bộ. 
Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường 9 (quận 4) Tiêu Quang và cán bộ phụ trách đô thị phường 9 khảo sát tình hình trật tự lòng lề đường
Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường 9 (quận 4) Tiêu Quang và cán bộ phụ trách đô thị phường 9 khảo sát tình hình trật tự lòng lề đường

Giải quyết nhiều tồn tại ở địa bàn dân cư

Thời điểm trước khi đưa các đồng chí đảng viên là cán bộ phường về sinh hoạt tại chi bộ khu phố, trên địa bàn khu phố 3, phường 9 (quận 4) tồn tại một số vấn đề khiến người dân bức xúc. Đó là tình trạng kinh doanh buôn bán tự phát xung quanh chợ Hãng Phân (đường Nguyễn Hữu Hào). Kéo theo đó là tình trạng phức tạp về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại khu vực. Đặc biệt, điểm rác tự phát ngay cổng Trường THCS Chi Lăng gây bức xúc lớn trong nhà trường, học sinh và phụ huynh.

Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường 9 (quận 4) Tiêu Quang thông tin, chi bộ đã nỗ lực kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết nhưng tình hình không được cải thiện nhiều. Cuối năm 2019, 6 đảng viên gồm Chủ tịch UBND phường 9, cán bộ phụ trách lĩnh vực đô thị, thương binh xã hội… được phân công về sinh hoạt tại Chi bộ khu phố 3.

Từ đây, cán bộ phường trực tiếp lắng nghe, tiếp nhận kiến nghị của người dân, của các đảng viên trên địa bàn và đưa vào các cuộc họp giao ban của phường để chỉ đạo có giải pháp xử lý rốt ráo. Nhờ đó, chợ tự phát Hãng Phân được sắp xếp hoạt động nề nếp hơn, điểm rác tại cổng Trường THCS Chi Lăng được giải quyết dứt điểm.

Theo Ban Tổ chức Quận ủy quận 4, Đảng bộ quận có 51 chi bộ khu phố trực thuộc đảng bộ 15 phường và 14 chi bộ cơ sở. Quận 4 đã chuyển 336 đảng viên chi bộ cơ quan của 15 phường về sinh hoạt tại chi bộ khu phố. Việc không tổ chức chi bộ cơ quan phường được sự đồng thuận của cấp ủy chi bộ khu phố, góp phần nâng cao chất lượng và nội dung sinh hoạt chi bộ, tạo nguồn kết nạp đảng viên ở địa bàn dân cư.

Đặc biệt, sự tham gia của đảng viên là cán bộ phường đã giúp cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, nắm bắt nhanh chóng các vấn đề ở địa bàn và có hướng giải quyết dứt điểm. Điều này góp phần tạo mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa đảng viên, cán bộ, công chức phường; củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ khu phố và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Còn nhiều vướng mắc

Quận 10 có 296 đảng viên là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của đảng bộ 14 phường được đưa về sinh hoạt tại 111 chi bộ khu phố. Huyện Hóc Môn cũng giải thể 12/12 chi bộ cơ quan xã, thị trấn và đưa 419 đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ ấp, khu phố. Việc đưa đảng viên sinh hoạt từ đảng bộ 13 phường ở quận Phú Nhuận về sinh hoạt tại chi bộ khu phố còn căn cứ vào đặc thù của từng khu phố. Theo đó, những khu phố nào còn tồn tại vấn đề gì thì sẽ phân công cán bộ đảng viên phụ trách lĩnh vực đó về sinh hoạt.

Chủ trương chuyển đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ khu dân cư đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, các địa phương cũng nêu ra một số khó khăn, như cán bộ, đảng viên chưa sắp xếp thời gian tham dự sinh hoạt đầy đủ nên việc nắm bắt tình hình dư luận trong nhân dân, phản ánh của đảng viên khu phố, ấp chưa được kịp thời. Nguyên nhân là lịch sinh hoạt của các chi bộ khu phố, ấp thường rơi vào giờ hành chính. Do đó, một số đảng viên là cán bộ, công chức vì phải thực hiện nhiệm vụ nên không thể tham gia sinh hoạt chi bộ.

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên, một số đảng viên là cán bộ, công chức tại UBND xã, thị trấn ở địa phương khác gặp khó khăn trong tham dự sinh hoạt chi bộ, tham gia các hoạt động được chi bộ phân công và không thể nắm bắt tâm tư, tình cảm của đảng viên trong cùng chi bộ.

Đảng viên trong khu dân cư cũng không biết được hoàn cảnh gia đình của các đồng chí đảng viên là cán bộ, công chức. Tại quận Phú Nhuận, khó khăn phát sinh là cấp ủy chi bộ khu phố khó đánh giá hiệu quả, năng lực công tác, hoạt động của đảng viên tại nơi làm việc. Bởi lẽ, chi bộ khu phố không thể nắm rõ được cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ ra sao, nên không thể đánh giá, nhận xét chính xác với công việc của từng người.

Mặt khác, nghị quyết của chi bộ khu phố không thể đề ra cụ thể, chi tiết công việc, nhiệm vụ chính trị của từng đảng viên đang công tác trong cơ quan phường, xã, thị trấn. Do đó, các địa phương cho rằng, nên có mô hình tổ chức Đảng phù hợp để đảng viên là cán bộ, công chức đang công tác tại phường, xã, thị trấn tham gia sinh hoạt Đảng. Như vậy sẽ thuận lợi hơn trong quá trình sinh hoạt chi bộ và giúp cấp ủy chi bộ tiện theo dõi, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cũng như thuận lợi trong công tác quy hoạch, bố trí, đào tạo cán bộ.

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên, đối với đảng viên là cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, khi thực hiện đánh giá, phân tích chất lượng hoặc lấy ý kiến quy hoạch, giới thiệu ứng cử, giới thiệu các chức danh lãnh đạo quản lý, đa số đảng viên trong chi bộ không nhận xét, đánh giá, góp ý. Hoặc khi thực hiện quy trình 5 bước trong công tác cán bộ, dù cùng công tác tại UBND xã, thị trấn, cùng sinh hoạt tại chi bộ khu phố, ấp, nhưng cán bộ là đảng viên không cư trú trên địa bàn thường có tỷ lệ phiếu thấp hơn so với cán bộ là đảng viên cư trú tại địa bàn. Điều này dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi của cán bộ, đảng viên. 

Tin cùng chuyên mục