Tăng sức mạnh Ủy ban sông Mekong

Bài viết của hãng tin AP đăng trên báo Japan Times ngày 20-10 cho biết, tài trợ của các nước thông qua Ủy ban sông Mekong (gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan) với hy vọng thúc đẩy các nước hợp tác có trách nhiệm để quản lý một trong những con sông lớn nhất thế giới. Sông Mekong dài 4.800km, bắt đầu ở Tây Tạng, Trung Quốc và chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ khi hình thành vào năm 1995 đến nay với 320 triệu USD tài trợ, Ủy ban sông Mekong xem ra vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, nhất là việc phát triển thủy điện ồ ạt ở thượng nguồn con sông này. Vấn đề nan giải này xuất phát từ nhu cầu cần điện để phát triển ở một số nước trong khu vực. Nhưng điều đó cũng đang tàn phá khu vực hạ lưu sông Mekong, ảnh hưởng đến 60 triệu người sinh sống ven lưu vực sông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thủy sản, canh tác lúa và hoa màu. Trước tình trạng của sông Mekong như vậy, nguồn tài trợ từ phương Tây lại bắt đầu giảm và số nhân viên của ủy ban này cũng giảm theo từ 166 người chỉ còn 66 người. Theo ông Kurt Morck Jensen, Trưởng cố vấn kỹ thuật cho các cơ quan phát triển của Đan Mạch, nhà tài trợ lớn nhất cho việc bảo vệ sông Mekong thông qua Ủy ban sông Mekong, cung cấp 86 triệu USD từ năm 1995 nhưng đã kết thúc tài trợ vào năm 2015. Ngoài Đan Mạch, các nhà tài trợ lớn khác bao gồm Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Australia, Ngân hàng Thế giới, Hà Lan, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Pháp và Mỹ.

Ông Jensen lo ngại việc Ủy ban sông Mekong bị cắt giảm số tiền tài trợ có thể mất đi sức ảnh hưởng. Theo ông, cả Việt Nam và Thái Lan đã phải tự tiến hành nghiên cứu riêng để thu thập dữ liệu cơ bản về sông Mekong thay vì thông qua ủy ban này. Trong khi tác hại của các con đập thì cứ tiếp diễn, đến một lúc nào đó sẽ không thể cứu vãn được nữa dòng chảy ban đầu của con sông. Tuy nhiên, cũng theo ông Jensen, các nhà tài trợ cũng không thể tài trợ mãi mà phải chủ động về tài chính vào năm 2020 thay vì năm 2030 như đề nghị của Ủy ban sông Mekong.

Ngoài ra, các nước tài trợ cũng chưa tìm ra phương án nào để tư vấn cho các nước thành viên Ủy ban sông Mekong giảm thiểu tác động của các con đập. Giáo sư địa lý nhân văn tại Đại học Sydney Philip Hirsch và là chuyên gia về sông Mekong cho biết, tiền tài trợ chi cho nghiên cứu khoa học có giá trị và kết quả phải phục vụ thiết thực cho hàng chục triệu người dân sống dựa vào con sông của cả khu vực chứ không phải để biện minh cho việc xây đập của một quốc gia riêng biệt nào.

Theo bài báo, đầu năm 2016, một nghiên cứu do Việt Nam tài trợ cho biết tại đồng bằng sông Cửu Long (hạ lưu sông Mekong), năng suất lúa sẽ tuột dốc vì có đến 9 đập thủy điện giữ lại bùn đất, làm giảm phù sa đưa về hạ lưu và giảm nguồn cá giống. Theo nghiên cứu này, Việt Nam ước tính thiệt hại thủy sản và nông nghiệp hàng năm hơn 760 triệu USD và Campuchia thiệt hại 450 triệu USD.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục