Tăng thu song trùng bội chi, ổn định vĩ mô chưa vững

Ngày 22-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo của Chính phủ và các ủy ban Kinh tế, Tài chính – Ngân sách Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2009, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2010.
Tăng thu song trùng bội chi, ổn định vĩ mô chưa vững

Ngày 22-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo của Chính phủ và các ủy ban Kinh tế, Tài chính – Ngân sách Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2009, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2010.

Kỷ luật ngân sách có vấn đề?

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói, năm 2009 bội thu gần 52.000 tỷ đồng. Điều này đáng mừng nhưng cũng đáng lo. “Lo vì chứng tỏ công tác dự báo không đủ tin cậy để làm kế hoạch. Nếu kỳ họp trước, Chính phủ báo cáo bội thu chính xác Quốc hội chắc chắn sẽ quyết con số bội chi năm 2010 khác đi”, ông Lịch nói. Đồng thời ĐB Trần Du Lịch cho rằng, bội thu nhiều nhưng bội chi vẫn như cũ, chứng tỏ kỷ luật chi ngân sách có vấn đề.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Vốn điều lệ của tổ chức tín dụng sẽ tăng lên 5.000 - 10.000 tỷ đồng.(ảnh trái). Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Bội thu nhiều nhưng bội chi vẫn tăng, cần xem xét kỷ luật chi ngân sách. (ảnh phải)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Vốn điều lệ của tổ chức tín dụng sẽ tăng lên 5.000 - 10.000 tỷ đồng.(ảnh trái).

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Bội thu nhiều nhưng bội chi vẫn tăng, cần xem xét kỷ luật chi ngân sách. (ảnh phải)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đồng tình, tăng thu so với dự toán là tốt nhưng dùng tiền tăng thu thế nào? “Luật Ngân sách quy định phải sử dụng số tiền vượt thu để giảm bội chi ngân sách nhưng chúng ta lại không làm điều đó mà chuyển nguồn sang năm sau. Nguồn lực quốc gia cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đối tượng chồng lên đối tượng, rất dàn trải”, ông Thuận nói.

“Đầu tư cho xây dựng cơ bản tăng hơn 8.000 tỷ đồng, theo quy định phải xin ý kiến QH. Có một điều lạ, các ngành tham mưu cho Trung ương luôn luôn yêu cầu bố trí vốn cho xây dựng cơ bản. Liệu có vấn đề gì ở đây hay không?”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt vấn đề.

ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) chưa thỏa mãn đề nghị: “Cần phải nói rõ đã bội chi ở chỗ nào, bao nhiêu phần trăm là do nhập hàng hóa tiêu dùng đắt tiền, xa xỉ. Công tác dự báo, thống kê lâu nay vẫn bị chê chưa tốt, nhưng có thực sự như thế không, hay còn có nguyên nhân nào khác? Vì con số chỉ cách nhau có 2 tháng, từ thời điểm báo cáo với QH ở kỳ họp thứ 6 cho đến hết năm, tại sao “vênh” nhau lớn đến như thế”.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, Chính phủ phải báo cáo rõ về việc bội chi, qua đó công khai khoản bội chi nào phù hợp, khoản nào chưa phù hợp và nếu bội chi sai phải bị xử lý. Cần kiểm toán độc lập để chỉ rõ những khoản bội chi sai.

ĐB Trần Du Lịch và nhiều ĐB khác cũng bày tỏ lo lắng về nợ quốc gia lớn, gần bằng 40% GDP. Theo ĐB Trần Du Lịch, hoàn cảnh mỗi quốc gia khác nhau, có nước nợ lên tới 100% GDP nhưng với Việt Nam, vấn đề là khả năng thanh toán ra sao và hiệu quả sử dụng thế nào, Chính phủ phải có câu trả lời rõ ràng.
 
Lạm phát có thể lên tới 8% - 9%?

Điều hành của Chính phủ trong việc kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu vẫn được coi là khâu yếu.

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) đề nghị Chính phủ cần giải trình sâu hơn những giải pháp để kiểm soát giá mặt hàng thiết yếu, nhất là thuốc chữa bệnh, sữa. Bởi vì các cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát và bình ổn được giá các mặt hàng sản xuất trong nước, còn hàng hóa nhập khẩu thì “bó tay”.
 
Về thực hiện kế hoạch năm 2010, ĐB Trần Du Lịch nói GDP tăng 6,5% là trong tầm tay nhưng nguy cơ tái lạm phát vẫn còn. “Giữ lạm phát 7% rất khó. Theo tôi lạm phát có thể lên tới 8% - 9% do tác động của chi phí đẩy. Vì vậy, năm nay, chúng ta có thể giải quyết những bất ổn ngắn hạn nhưng những bất ổn trung - dài hạn vẫn chưa thể giải quyết”, ĐB Lịch phát biểu.

Khi phát biểu về nhập siêu, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, chúng ta vẫn đang biện minh về việc nhập siêu. “Chính phủ nói chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, không phải nhập khẩu tiêu dùng nhưng để sản xuất một mặt hàng nào đó, chúng ta nhập khẩu bộ phận lớn nguyên liệu, vì vậy bản chất là nhập khẩu tiêu dùng. Cân đối ngoại tệ cũng rất bấp bênh. Với một nền kinh tế thiên về gia công như hiện nay, chúng ta chỉ có thể ổn định vĩ mô thành công một cách nhất thời, không thể giải quyết các nguyên nhân sâu xa, trừ phi chúng ta phải tái cấu trúc lại nền kinh tế”, ĐB Lịch nói.
 
Nhiều ĐB thắc mắc, Chính phủ đã họp nhiều lần về đề án tái cấu trúc kinh tế nhưng kỳ này lại hoàn toàn im lặng?! 

LÂM NGUYÊN - ANH PHƯƠNG

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận: Phải quan tâm đến y tế, xã hội

Nền kinh tế của chúng ta phát triển dựa trên tăng trưởng vốn. Do đó thành quả khó đi được vào đời sống nhân dân. Đơn cử như nếu các khóa QH trước, chỉ số ICOR chỉ ở mức độ 4,5% thì đến nay đã tăng lên tới 8%. Như vậy thì làm sao thấy được hiệu quả đầu tư của đồng vốn. Chính phủ lo tập trung cho kinh tế. Tiền cũng quan trọng nhưng phải biết quan tâm y tế, xã hội, cải cách hành chính. Nhân dân đang lo lắng về thực trạng văn hóa suy đồi, bạo lực gia tăng, đời sống bất ổn, giới trẻ mất định hướng. Đây là vấn đề cần tập trung giải quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Thờ ơ, thiếu trách nhiệm là tiếp tay cho tội ác

Mặc dù đạt được nhưng thành tựu kinh tế - xã hội không thể phủ nhận nhưng rõ ràng đời sống người dân, nhất là những vùng xa xôi, khó khăn cần được quan tâm hơn nữa. Chuẩn nghèo hiện nay đã lạc hậu, một số địa phương đã tự điều chỉnh, Chính phủ cần ban hành chuẩn mới tầm quốc gia, như vậy mới có cơ sở chính xác để hoạch định chính sách.

Đặc biệt, dư luận rất băn khoăn, lo ngại về xu hướng gia tăng bạo lực học đường, bạo lực đối với trẻ em. Có những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong một thời gian dài, đặt ra câu hỏi về năng lực, trách nhiệm của hệ thống chính trị, đoàn thể ở cơ sở. Sự thờ ơ, lãnh đạm, thiếu trách nhiệm trong trường hợp này vô hình trung tiếp tay cho tội ác.

 

Hạn chế khả năng lũng đoạn ngân hàng

Chiều 22-5, thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều ĐBQH quan tâm việc bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, trong hoạt động của các TCTD, vấn đề an toàn hệ thống phải được đặt lên hàng đầu.
 
Quán triệt mục tiêu quan trọng này, dự thảo luật đã có nhiều quy định nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là ngăn chặn sự lũng đoạn của nhóm cá nhân, tổ chức thao túng hoạt động của TCTD, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, dự luật quy định TCTD không được cấp tín dụng cho người quản lý, người điều hành hoặc pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT, Ban kiểm soát của TCTD cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của TCTD. Mục đích chủ yếu của các quy định này nhằm hạn chế các hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ một tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, các quy định về hạn chế tỷ lệ góp vốn cũng được đưa ra: một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD; cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD.

Đây là những quy định mới nhằm hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức, có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại ngân hàng.
 
Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng không nên phân biệt giữa cổ đông nước ngoài và cổ đông Việt Nam. Tuy nhiên, ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên) lưu ý, các quy định trên đưa ra nhằm giới hạn sở hữu chứ không phải phân biệt. Theo quy định thời gian tới vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại sẽ phải tăng lên, đến cuối năm 2010 là 3.000 tỷ đồng, vì thế, mức sở hữu 15% của cổ đông là tổ chức tương đương 450 tỷ đồng vẫn quá lớn, nên quy định mức 10% sẽ hợp lý hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, đến năm 2012 – 2015 yêu cầu về vốn điều lệ của TCTD có thể sẽ tăng lên 5.000 – 10.000 tỷ đồng, vì mức vốn hiện nay quá thấp. Vì thế, mức sở hữu 5% - 10% vốn của một TCTD sẽ rất lớn.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật có các quy định cụ thể về việc kê khai nguồn gốc tiền của các cá nhân, tổ chức góp vốn thành lập TCTD.

Theo dự thảo ban đầu, luật không cho phép các ngân hàng thương mại trong nước được phép mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác vì cho rằng việc sở hữu vốn đan chéo lẫn nhau trong khu vực ngân hàng làm tăng nguy cơ rủi ro hệ thống.

Tuy nhiên, qua thảo luận Quốc hội cho rằng, hiện nay một số ngân hàng nhỏ rất cần thu hút kinh nghiệm quản lý, điều hành và công nghệ của các ngân hàng lớn bằng việc bán cổ phần cho các ngân hàng lớn. Hơn nữa, cần thiết có mua bán cổ phiếu giữa các TCTD làm tiền đề cho việc sáp nhập nhằm nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa hệ thống.
 

H.YÊN

Tin cùng chuyên mục