Tăng tiền thưởng Giải Báo chí quốc gia

* Báo SGGP đoạt 5 giải thưởng Giải Báo chí TPHCM lần thứ 31

(SGGP).- Ngày 17-6, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia họp báo công bố kết quả Giải Báo chí quốc gia lần thứ 7 năm 2012. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết, lễ trao giải chính thức sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào tối 21-6 tới.

Ông Hà Minh Huệ cũng cho biết, tiền thưởng cho các giải lần này cũng tăng so với năm trước, cụ thể: giải A tăng từ 30 lên 40 triệu đồng/giải; giải B từ 25 lên 30 triệu đồng/giải; giải C từ 15 lên 20 triệu đồng/giải; giải khuyến khích từ 5 lên 7 triệu đồng/giải.

Trải qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, từ 1.450 tác phẩm dự giải, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ 7 đã tuyển chọn được 117 tác phẩm đoạt giải thuộc 11 loại giải, trong đó có 5 giải A, 28 giải B, 45 giải C và 39 giải khuyến khích. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, Giải Báo chí quốc gia có đến 5 giải A. Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đánh giá, 5 giải A đều đi thẳng vào một vấn đề thời sự cụ thể, trả lời được những câu hỏi bức xúc của công chúng.

Về 5 giải A, ở thể loại báo in, Báo Quân đội Nhân dân và Báo Công an Nhân dân mỗi báo đoạt 1 giải; ở thể loại phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam đoạt 2 giải; ở thể loại truyền hình, giải A duy nhất thuộc về Đài PT-TH Bình Thuận.

Ở thể loại báo in, Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt 2 giải C với tác phẩm “Chủ quyền quốc gia là tối thượng” của tác giả Tô Nguyễn và loạt bài 5 kỳ “Một thời tuổi trẻ biết xung phong” của nhóm tác giả Ái Chân, Mai Hương, Thạch Thảo.

Từ năm 2014, trong cơ cấu Giải Báo chí quốc gia sẽ có thêm giải thưởng “Cống hiến”.

Cùng ngày, Hội Nhà báo TPHCM đã công bố giải thưởng Giải Báo chí TPHCM lần thứ 31. Theo đó, trong tổng số trên 100 tác phẩm của hơn 30 cơ quan báo, đài thành phố dự thi, có 46 tác phẩm đoạt giải. Trong đó, có 3 giải nhất thuộc về các tác phẩm: Kiên quyết bám biển - Bảo vệ chủ quyền (Phan Thế Anh của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM), Gặp gỡ đầu tuần “Chấp nhận đau đớn để chống tham nhũng thành công” (Quốc Thanh, Viễn Sự của Báo Tuổi Trẻ) và Hai dự án thủy điện kỳ lạ (Thu Sương, Minh Khanh của Báo Người Lao Động).

Báo SGGP có 5 tác phẩm đoạt giải, gồm: 2 giải nhì thuộc về tác phẩm Kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ở TPHCM - 4 kỳ (Hồng Hiệp, Hoài Nam), Xin lỗi dân - Cần thực chất - 4 kỳ (Hoài Nam, Ái Chân, Vân Anh); 2 giải ba: Loạt bài Xây dựng TPHCM xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại - Sức thu hút, sức lan tỏa của thành phố (Phạm Phương Thảo, Tuấn Sơn, Vĩnh Xuân, Trịnh Đình Dũng, Vân Anh, Ái Chân, Nguyễn Khoa), Ẩn gì đằng sau những “đạo lạ”? - 5 kỳ (Phạm Thục, Ái Chân, Trần Lưu) và giải khuyến khích với tác phẩm Nơi hầm tối là nơi sáng nhất - 5 kỳ của tác giả Ái Chân, Thanh Tâm.

Lễ trao giải sẽ diễn ra lúc 9 giờ ngày 19-6 tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM, được trực tiếp trên kênh HTV9.

TRẦN BÌNH - VÂN AN

Tin cùng chuyên mục