Tăng tính độc lập cho các liên đoàn thể thao

Thể thao Việt Nam gần đây xảy ra nhiều vấn đề tranh cãi, liên quan đến quy chế chuyển nhượng vận động viên (VĐV) môn bóng chuyền, hay mới nhất là việc “rò rỉ” bản danh sách tập trung đội tuyển bóng đá nam chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 khiến HLV Park Hang-seo không hài lòng.
Trong cả 2 sự việc, dù không để lại hậu quả lớn về khía cạnh chuyên môn nhưng ít nhiều làm tổn hại hình ảnh, uy tín của các tổ chức quản lý thể thao. Đặt trong hoàn cảnh của thể thao Việt Nam, rất đáng phải suy nghĩ về việc nâng cao tính hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.

Những tác động từ đại dịch Covid-19 đã báo động những người làm công tác thể thao về những khó khăn mà họ phải đối mặt trong tương lai. Quá trình hồi phục của nền kinh tế không phải một sớm một chiều. Ngân sách trung ương lẫn địa phương đều sẽ phải dồn nhiều hơn cho công tác y tế và an sinh xã hội nhằm hạn chế hậu quả của dịch Covid-19. Như vậy, ngân sách dành cho thể thao không thể tăng mà còn giảm. Bên cạnh đó, nguồn thu từ tài trợ, quảng cáo cũng khó như trước. Trong bối cảnh đó, nếu bản thân từng môn thể thao còn tự gây thiệt hại, tạo ra hình ảnh xấu cho mình thì càng khiến mối quan tâm của xã hội sụt giảm hơn nữa.

Thực tế hiện nay, hoạt động của 2 tổ chức xã hội nghề nghiệp là Liên đoàn Bóng chuyền quốc gia và Liên đoàn Bóng đá quốc gia chưa đúng tầm mức, có hiện tượng một vài cá nhân muốn chi phối và đưa ra những quyết định bất lợi cho chính liên đoàn, tác động xấu đến đời sống bóng chuyền và bóng đá, vốn đang được nỗ lực phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp hơn.

Ngay như việc một vị Phó Chủ tịch của Liên đoàn bóng đá lại đang kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền cho thấy, như thế chưa chắc đã đủ sức gánh vác 2 trọng trách này. Dư luận có cơ sở để cho rằng hai liên đoàn đều không thu hút được người có năng lực ở ngoài xã hội nên mới có chuyện một người ngồi đến 2 vị trí then chốt. Và khi xuất hiện các sự cố như vừa qua thì lại càng có lý do để nghi ngờ hơn về chất lượng của cả bộ máy.

Đời sống, và thậm chí là cả sự nghiệp của các VĐV ở nhiều môn thể thao đỉnh cao, lệ thuộc vào quyết định của các cấp quản lý, mà cụ thể là những liên đoàn thể thao. Một quyết định thiếu hợp lý, sự lỏng lẻo của quy chế chuyển nhượng, công tác giám sát hời hợt… có thể dẫn đến các VĐV mất thu nhập, ảnh hưởng uy tín cá nhân, và tệ hơn cả, đó là mất đi “lửa nghề”, niềm đam mê với môn thể thao mà mình đã dành cả thanh xuân để theo đuổi. Điều đáng tiếc kéo theo đương nhiên sẽ là sản phẩm bóng đá và bóng chuyền càng khó tiếp cận các nguồn kinh phí xã hội hóa để nâng tầm.

Khi các liên đoàn thể thao ra đời, tiêu chí “sống còn” là không trở thành “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Tổng cục TDTT. Nhưng nếu bản thân các liên đoàn không đổi mới phương thức hoạt động, không tăng được tính độc lập về cơ chế lẫn tư duy, không chủ động trong chiến lược phát triển thì sẽ khó thu hút được các nguồn lực xã hội. Để rồi bộ máy tiếp tục cũ kỷ, chậm chạp trong cách tiếp cận với thị trường và ứng phó với những hoàn cảnh như đang xảy đến từ đại dịch Covid-19 hiện nay.

Tin cùng chuyên mục