Tăng tinh, giảm thô

Trong quá trình hình thành và phát triển, Sài Gòn xưa và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay luôn luôn mang trên mình sứ mệnh lịch sử của dân tộc, là trung tâm kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước. Dù trong lúc hưng thịnh hay giai đoạn khó khăn nhất, thành phố Hồ Chí Minh luôn là khởi nguồn cho nhiều chương trình đột phá, nảy nở những ý tưởng mới cho nhiều chủ trương chính sách lớn, là đầu tàu kéo cả nền kinh tế vượt qua mọi hoàn cảnh để tiến lên. Tuy nhiên, trong tiến trình ấy, thành phố Hồ Chí Minh cũng không khỏi có những bước thăng trầm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Thoát ra khỏi cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, với mong muốn phát triển nhanh và toàn diện, thành phố Hồ Chí Minh mở rộng và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào hầu hết các ngành công nghiệp. Các số liệu thống kê cho thấy tình trạng đầu tư “dàn hàng ngang” diễn ra trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả là một số ngành công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nhiều doanh nghiệp của ngành đó bị phá sản hoặc đứng bên bờ vực thẳm.

Khoảng 10 năm trở lại đây, thành phố Hồ Chí Minh đã kiên quyết thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có thế mạnh của thành phố và bước đầu cho kết quả khả quan. Đó là 4 ngành: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa và chế biến lương thực thực phẩm.

Tập trung phát triển đối với các ngành này, thành phố Hồ Chí Minh mong muốn sẽ thu hút đầu tư nhiều chất xám, công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhưng tốn ít nhân công. Đồng thời, thành phố chủ trương chuyển các ngành công nghiệp, các cơ sở sản xuất thủ công cần nhiều lao động và hàm lượng chất xám thấp về các tỉnh hoặc thành phố vệ tinh trong tương lai. Điều đó được thành phố thể hiện rất rõ trong các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, ưu tiên trong sử dụng đất đai, chính sách thuế… Ngay trong việc thẩm định trình độ công nghệ của các thiết bị, dây chuyền sản xuất đầu tư mới cũng được thành phố thực hiện rất khắt khe, đảm bảo tính tiên tiến của nền công nghiệp thành phố trong tương lai.

Tăng tinh giảm thô, đó là phương châm hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển sản xuất công nghiệp. Song, việc thực hiện triệt để phương châm ấy trong thời gian tới lại không dễ dàng. Nó đòi hỏi sự thống nhất từ trên xuống dưới, từ nghị quyết, chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố tới hành động cụ thể của các ban ngành quản lý và cán bộ thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, chính các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế trước khi đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh cũng phải hiểu rõ những đòi hỏi từ chủ trương đó của chính quyền thành phố và thực hiện nghiêm các yêu cầu cụ thể của chủ trương này. Có như vậy, thành phố Hồ Chí Minh mới trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò và vị trí của nó trong lịch sử phát triển của đất nước. 

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục