Tăng tốc đầu tư công

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2021, TPHCM đã phải giãn cách nửa năm, dẫn đến các khó khăn về nguồn lực lao động, nguồn cung cấp vật tư, nguyên vật liệu, gia tăng các chi phí phát sinh ngoài dự kiến… Do vậy, kết quả giải ngân đầu tư công không như mong đợi. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai xung quanh giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Tăng tốc đầu tư công

Đẩy nhanh tiến độ, tăng cường kiểm tra, giám sát 

PHÓNG VIÊN: Thưa bà, dịch bệnh là lý do khách quan khiến tiến độ giải ngân các dự án chậm, ngoài ra có lý do chủ quan nào khác cần làm rõ để khắc phục trong thời gian tới?

Bà LÊ THỊ HUỲNH MAI: Số vốn năm 2021 tính đến 31-12 (thời hạn giải ngân theo luật là hết 31-1 năm sau) chỉ mới đạt được 16.589 tỷ đồng trên tổng vốn giao 32.262 tỷ đồng, tương đương 51,4%. So với các năm, kết quả giải ngân năm 2021 thấp. Chúng tôi nhìn nhận cả những hạn chế về chủ quan như có nơi còn lúng túng trước bối cảnh dịch bệnh chưa từng có tiền lệ; chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước phải phân bổ nguồn nhân lực để hỗ trợ công tác phòng chống dịch; các quy định về đầu tư công, đất đai, xây dựng, thủ tục đấu thầu, quy định về tiêu chí định mức… còn bất cập; một số quy định chưa cụ thể cần các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn nên kéo dài. 

Vậy giải pháp chính cần tập trung năm 2022 là gì, thưa bà?

Cụ thể sẽ tập trung vào 3 nhóm chính. Một là đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất, để bàn giao mặt bằng các dự án cho chủ đầu tư triển khai thực hiện. 

Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai

Nhóm thứ hai là đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong đó, các cơ quan chủ quản phải tăng cường chỉ đạo, giám sát chủ đầu tư để tổ chức thực hiện đối với các dự án đang triển khai; bám sát tiến độ, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; kịp thời chủ động tháo gỡ khó khăn trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ dự án... 

Nhóm ba là tăng cường kiểm tra, giám sát như tập trung theo dõi tình hình giải ngân; thủ trưởng các đơn vị chủ quản phải trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình và chịu trách nhiệm toàn diện trước cấp trên. Căn cứ tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các chủ đầu tư, Sở KH-ĐT tham mưu UBND TPHCM xây dựng kế hoạch điều chuyển vốn của các dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao trong năm.

Huy động nguồn lực xã hội

Giải pháp huy động nguồn lực xã hội để đầu tư vào sự phát triển của thành phố thì sao, thưa bà?

Thành phố đã tập trung các giải pháp tìm kiếm các nguồn lực đầu tư và thúc đẩy việc xã hội hóa. Thứ nhất, tăng cường khả năng cân đối vốn đầu tư ngân sách thành phố như tiếp tục trình Trung ương Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030; rà soát đánh giá tình hình thu chi ngân sách, khả năng cân đối của thành phố để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư.

Công trình hầm chui giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thứ hai, huy động các nguồn lực đầu tư từ quỹ đất công và tài sản công của thành phố. Thực hiện rà soát quỹ đất công, trường hợp nào không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì xây dựng phương án bán đấu giá; tăng cường quản lý đất đai, đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch.

Thứ ba, rà soát các dự án có thể thực hiện xã hội hóa để chủ động mời gọi đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư để tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư từ xã hội, giảm tải áp lực cho cân đối ngân sách theo định hướng thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Thứ tư, huy động các nguồn lực đầu tư thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn ngoài ngành... cũng có thể huy động được nguồn vốn rất lớn nhưng lâu nay gần như đóng băng. Thành phố có tính đến việc khơi thông các nguồn này?

Thời gian tới, thành phố vẫn tiếp tục triển khai thực hiện giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư thông qua cổ phần hóa DNNN. Cụ thể, đang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025; xây dựng và ban hành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt 2 đề án: “Phương án cơ cấu lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc thành phố giai đoạn 2021-2025” và “Cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021- 2025” để làm cơ sở triển khai việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN do thành phố quản lý, thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn nhà nước nhằm tạo nguồn thu ngân sách cho đầu tư phát triển.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, TPHCM được Chính phủ giao vốn ngân sách trung ương là 13.926 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 142.557 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương cũng đã được HĐND TPHCM thông qua, trong đó phân bổ chi tiết 121.933 tỷ đồng và dự phòng là 20.623 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục