Tăng tốc, đột phá nâng cao chất lượng giảng viên

Ngành giáo dục vừa tổ chức các hội nghị tổng kết năm học 2016-2017. Điểm chung của các tổng kết này đều “nóng” với vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, trong đó chất lượng giảng viên ĐH đang trở thành nỗi trăn trở lớn.
Cần có chính sách tạo nguồn giảng viên giỏi từ những sinh viên ưu tú Trong ảnh: Lễ tốt nghiệp của các sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội
Cần có chính sách tạo nguồn giảng viên giỏi từ những sinh viên ưu tú Trong ảnh: Lễ tốt nghiệp của các sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội
Vừa qua, ngành giáo dục liên tiếp tổ chức các hội nghị tổng kết năm học 2016-2017. Nhưng đáng chú ý nhất là hội nghị tổng kết giáo dục đại học (ĐH), tổng kết toàn ngành. Điểm chung là các tổng kết này đều “nóng” với vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, trong đó chất lượng giảng viên ĐH đang trở thành nỗi trăn trở lớn.
Cần tiến sĩ nhưng không đủ ứng viên
Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường ĐH là 72.792 người; tăng 4,6% so với năm học 2015-2016. Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS) là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ (Th.S) là 43.065 (tăng 6,6%). Trong năm 2016, Hội đồng chức danh giáo sư (GS) nhà nước đã công nhận 65 GS và 638 PGS. Trong đó, số đang trực tiếp làm việc tại các cơ sở đào tạo là 48 GS (chiếm 73,85%) và 508 PGS (79,62%)…
Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù số lượng giảng viên tăng so với năm học 2015-2016 nhưng tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS và trình độ TS trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ TS ở các trường cao đẳng sư phạm rất thấp (chiếm xấp xỉ 3,4%). Đáng lo hơn là việc tuyển dụng giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo còn nhiều khó khăn, do chính sách thu hút chưa đủ mạnh. Cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ chưa tạo động lực để thu hút cán bộ giỏi về làm việc. Nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng đến kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn giảng viên trẻ kế cận, cũng như việc bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên gửi đi đào tạo TS ở nước ngoài…
Bộ GD-ĐT thừa nhận, trong quá trình triển khai Đề án Đào tạo giảng viên bằng ngân sách nhà nước (Đề án 911), nhiều ứng viên từ các cơ sở đào tạo không đáp ứng được những quy định về ngoại ngữ và các điều kiện cần thiết khác, trong khi nhu cầu giảng viên có trình độ cao là rất lớn. Bởi theo kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT, nhu cầu phát triển đội ngũ giảng viên trình độ TS tại nước ngoài của các trường ĐH giai đoạn 2017-2020 là 6.939 người, với 7 nhóm ngành: Kinh tế - Quản lý, Kỹ thuật - Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội - nhân văn, Khoa học sức khỏe, Mỹ thuật - Thể dục, Nông lâm ngư.
Cần “chạy đua” nâng chất giảng viên
Bộ GD-ĐT cũng đã nhận thức rất rõ vấn đề này. Vì thế, một trong nhiệm vụ chính đặt ra trong năm học 2017-2018 đối với giáo dục ĐH là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các trường.
“Sẽ đổi mới cơ chế tài trợ nghiên cứu cho giáo dục ĐH. Công khai, minh bạch các công trình đã công bố, các hướng nghiên cứu đang thực hiện của giảng viên. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản trị ĐH cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý các nhà trường trên nền thực hiện tự chủ ĐH. Có kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên để gửi đi đào tạo TS ở nước ngoài, nâng dần chuẩn giảng viên có trình độ TS trong toàn hệ thống... Đó là những giải pháp mà Bộ GD-ĐT sẽ triển khai trong năm học này để nâng cao chất lượng giảng viên ĐH”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, cho biết.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Linh, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thì cần có nguồn ngân sách của nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Còn bản thân các trường thì cần liên kết, phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. “Các trường phải tăng kinh phí hỗ trợ giảng viên nghiên cứu khoa học, có quỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho giảng viên vừa giảng dạy, vừa thực hiện nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả. Giảng viên phải cân bằng tỷ trọng giữa giảng dạy và nghiên cứu, chứ không thể chỉ chăm chăm đi dạy”, PGS-TS Nguyễn Quang Linh phân tích.
Không chỉ từ phía Bộ GD-ĐT, bản thân cơ sở giáo dục phải coi chất lượng giảng viên là yếu tố sống còn, quyết định chất lượng đào tạo của các trường. Vì vậy, cần có những giải pháp, chính sách để nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ giảng viên một cách căn cơ. PGS-TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, cho biết trước đây, nguồn giảng viên được lấy từ sinh viên có kết quả tốt nghiệp xuất sắc để bồi dưỡng, phát triển thành giảng viên. Bên cạnh đó, tuyển dụng, thu hút đội ngũ giảng viên tốt nghiệp, công tác ở nước ngoài, hay những người từ các cơ sở có năng lực giảng dạy, có năng khiếu về sư phạm, có chuyên môn nghề nghiệp tốt.
“Nếu không dự nguồn sớm thì các sinh viên xuất sắc sẽ tham gia vào các cơ sở khác, gây lãng phí nguồn trong thu hút, tuyển dụng giảng viên trẻ. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, xem xét chính sách tạo nguồn giảng viên trẻ bằng các hình thức phù hợp”, Giám đốc ĐH Huế nói. 
Có thể khẳng định, không ai khác, chính giảng viên ĐH là người sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới năng lực nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cũng như các trường phải có kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên để gửi đi đào tạo trình độ TS ở nước ngoài, nâng dần chuẩn giảng viên có trình độ TS trong toàn hệ thống theo các đề án có sử dụng ngân sách nhà nước, các chương trình học bổng hiệp định và một số học bổng song phương.
Cùng với đó, cần đặc biệt tăng cường nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ ở các trường ĐH mà giảng viên là thành phần nòng cốt (theo Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2016-2017, toàn quốc mới có 491 nhóm giảng dạy - nghiên cứu được thành lập tại các trường ĐH, con số này thực chất là quá ít ỏi, lại chỉ tập trung ở một số trường ĐH lớn). 
“Đội ngũ là quyết định. Bộ GD-ĐT sẽ giao nhiệm vụ thí điểm để Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thu hút được các nhà khoa học nước ngoài”, đó là khẳng định mới nhất của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Tin cùng chuyên mục