Tăng tốc dự án đường Hồ Chí Minh ​

Theo tờ trình của Chính phủ, đến năm 2021, dự án đã được triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang thực hiện 211km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171km còn lại để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Sáng 24-5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình số 157/TTr-CP ngày 5-5-2022 của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Theo dự kiến, thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến là năm 2020. Năm 2020 cũng là thời điểm bắt đầu triển khai nâng cấp các tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tuy vậy, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.

Theo tờ trình của Chính phủ, đến năm 2021, dự án đã được triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang thực hiện 211km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171km còn lại để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Tăng tốc dự án đường Hồ Chí Minh ​ ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) Lê Quang Huy nêu rõ, với tiến độ như trên, trong 5 năm (2017-2021), dự án được triển khai chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, di dân, cá biệt vẫn còn một số địa phương bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Do quy định phạm vi hành lang của đường Hồ Chí Minh khá rộng, trong khi Nhà nước chưa có điều kiện đền bù giải tỏa, nên đời sống của rất nhiều hộ dân sinh sống trong phạm vi cắm mốc giới gặp nhiều khó khăn.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý nhiều vấn đề về công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; tác động của dự án đối với tuyến đường biên giới, khu vực cửa khẩu…

Giai đoạn tới đây, Ủy ban KHCN-MT đề nghị Chính phủ khẳng định rõ tiến độ thực hiện dự án đã không đáp ứng được phân kỳ đầu tư theo yêu cầu của nghị quyết và xác định rõ thời gian tiếp tục thực hiện dự án từ năm 2022. Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, thanh quyết toán kịp thời, hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện dở dang, sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Đối với các dự án còn lại, một số dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, một số dự án khác đang được đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư. Theo đó, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, lựa chọn phương án đầu tư thiết thực, hiệu quả.

Về việc nâng cấp một số đoạn theo phân kỳ đầu tư, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh yêu cầu của nghị quyết là “nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020”.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tích hợp dự án đường Hồ Chí Minh vào mạng lưới đường bộ, một số đoạn được quy hoạch là đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây và một số đoạn đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó một số đoạn đang được đầu tư phân kỳ, một số đoạn tuyến khác cũng đã được xem xét đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Luật Đầu tư công, điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án là “không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư”.

Do đó, Ủy ban KHCN-MT đề nghị Chính phủ làm rõ các dự án đi trùng phải bảo đảm thực hiện đúng tinh thần nghị quyết.

Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004. Dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010.

Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp. Theo đó, thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến được lùi từ năm 2010 sang năm 2020. Thời hạn bắt đầu triển khai nâng cấp các tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc lùi từ năm 2010 sang năm 2020. Bên cạnh các điều chỉnh trên, Nghị quyết số 66/2013/QH13 cũng đặt ra thêm một số yêu cầu bổ sung đối với dự án.

Tin cùng chuyên mục