Doanh nghiệp bán lẻ tại TPHCM
Từ nay đến Tết Dương lịch 2014, các nhà bán lẻ sẽ tổ chức ít nhất từ 2-3 đợt khuyến mãi giảm giá bình quân từ 5%-49% đối với hàng ngàn mặt hàng nhằm kích cầu sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ lượng hàng tồn kho.
Hợp sức khuyến mãi
Hiện nay, các nhà bán lẻ hàng đầu tại TPHCM đang ráo riết thực hiện các chương trình khuyến mãi hoành tráng để thu hút khách hàng vào dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch sắp đến. Với chủ đề “Rộn ràng Giáng sinh”, tại tất cả các đơn vị bán lẻ thuộc Saigon Co.op (gồm hệ thống siêu thị Co.opmart, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện ích Co.op Food, đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn Co.opXtraplus Thủ Đức và kênh bán hàng Việt qua truyền hình HTVCo.op) đang đồng loạt thực hiện cùng một lúc nhiều chương trình khuyến mãi đối với hàng ngàn mặt hàng khác nhau. Riêng tại hệ thống Co.opmart có hơn 1.000 mặt hàng nhu yếu, được chọn lọc riêng phục vụ dịp Giáng sinh được giảm giá đến 45%.
Từ nay đến ngày 23-1-2014, hệ thống siêu thị Citimart triển khai chương trình khuyến mãi “Mua sắm tích điểm – Nhận quà giá trị” trên toàn quốc nhằm kích thích sức mua. Khi khách hàng mua sắm tùy theo giá trị đơn hàng, sau khi được quy ra số điểm tương ứng, sẽ được đổi ngay các phần quà thiết thực như thùng mì gói, nước ngọt, bia, nồi cơm điện… Song hành là các chương trình khuyến mãi như tuần bán hàng giảm giá không lợi nhuận đối với thực phẩm - hàng tươi sống và hàng hóa mỹ phẩm; Tuần bán hàng Nhật Bản đồng giá 29.000đ; Đồng hành với sinh viên như mua một món hàng sẽ được tặng kèm 1 sản phẩm…
Tại hệ thống siêu thị Big C cũng triển khai 4 chương trình khuyến mãi “Sắm đồ mới đón xuân phơi phới”, “Giáng sinh rộn ràng - Ngập tràn ưu đãi”, “Bộ sưu tập Giáng sinh” và “Giỏ quà Tết Giáp Ngọ”, áp dụng cho khoảng 3.000 mặt hàng có mức giảm giá từ 5%-45%. Đặc biệt, nhân dịp sinh nhật Big C Trường Chinh, 6 siêu thị Big C tại khu vực TPHCM tổ chức nhiều chương trình trúng thưởng.
Một vấn đề dễ nhận thấy trong các chương trình khuyến mãi năm nay, là tiếp tục có hợp sức từ phía các nhà sản xuất – nhà cung cấp – nhà phân phối để thực hiện dài hơi. Đại diện một hệ thống siêu thị điện máy lớn của TPHCM thừa nhận, để đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu trong năm, siêu thị đã sử dụng triệt để đòn bẩy liên kết với các đối tác trong quá trình thực hiện các chương trình khuyến mãi, đồng thời mạnh dạn đổi mới cách bán hàng, thông qua phương thức bán hàng trả góp cho khách. Cách làm này sẽ giải tỏa về tài chính, giúp khách hàng mạnh dạn mua sắm cuối năm mà không làm ảnh hưởng lớn đến ngân sách gia đình. “Nếu không có sự liên kết thì không có nhà phân phối nào đủ sức để thực hiện kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong khi thực hiện cũng cần lựa chọn đối tác tốt để tránh rủi ro”, đại diện siêu thị này kết luận.
Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, trong suốt năm 2013 nhiều DN vẫn thực hiện liên kết theo hướng “đôi bên cùng có lợi” để tồn tại và phát triển. Biểu hiện rõ nhất là các DN sản xuất hàng hóa mỹ phẩm và DN sản xuất đồ nhựa gia dụng. Tại thời điểm này, nếu khách hàng mua một bộ hóa phẩm (gồm nước lau sàn nhà, bột giặt, nước tẩy nhà bếp, nước xả vải) sẽ được tặng kèm một bộ đồ dùng bằng nhựa (gồm thau, rổ, xô, hộp),…
Khó vực được sức mua
Mục tiêu của các chương trình khuyến mãi là kích cầu sức mua, tăng doanh thu. Điều này ai cũng hiểu. Nhưng với thực tế đang diễn ra, các nhà kinh doanh mới chỉ đạt được một nửa của mục tiêu, đó là kích cầu sức mua, chứ chưa làm tăng doanh thu như mong muốn. Theo tính toán của một DN bán lẻ hàng đầu tại TPHCM, dù nỗ lực thực hiện các đợt khuyến mãi giảm giá lớn, mỗi đợt từ 2-3 chương trình khác nhau, nhưng doanh thu năm nay dự kiến chỉ tăng khoảng 15% -17% so với năm trước. Dịp kinh doanh Tết Nguyên đán 2014 sắp tới, đơn vị này cũng chỉ dự báo sức mua tăng 17%. Trên thực tế, nếu trừ đi các yếu tố như lạm phát, mở các cửa hàng và siêu thị mới thì doanh thu gần như không tăng.
Điểm khác biệt của cách triển khai các chương trình khuyến mãi trong năm nay là bản thân các nhà phân phối phải vào cuộc, từ chính việc “hy sinh” lợi nhuận để “bù giá” cho khách hàng. Mặt khác, để đảm bảo chỉ tiêu doanh thu, mỗi siêu thị cũng phải tự tính toán, xoay sở để thực hiện chương trình của riêng mình, chứ không thể trông chờ vào hệ thống. Trưởng phòng marketing của một hệ thống siêu thị than thở, những năm trước chuyên môn của họ là đi săn lùng các mặt hàng mới, giá rẻ, có sức cạnh tranh cao thì nay họ chỉ chuyên tâm vào việc theo dõi, “dòm ngó” các “đối thủ” sẽ tung ra những chiêu trò khuyến mãi gì, ở ngành hàng nào nhằm giữ chân khách hàng.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các chương trình khuyến mãi đều tập trung vào hàng Việt và nhóm các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến và công nghệ phẩm. Đây là nhóm các mặt hàng “dù khó khăn nhưng không thể không dùng hàng ngày” nên các siêu thị đều dồn sức để kích cầu. Đối với các mặt hàng khác như đồ dùng gia đình, hàng may mặc, giày dép… do sức mua trong năm khá chậm, lại là hàng không bức thiết nên các DN cũng thực hiện khuyến mãi thường xuyên. Có lẽ, đây là những nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng ở các ngành hàng không đồng đều và ngày càng có khoảng cách lớn. Điều này cũng có thể lý giải, thời gian gần đây, hàng loạt các siêu thị đều thực hiện việc cơ cấu lại các nhóm hàng, quầy kệ, trong đó ưu tiên hàng đầu cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Năm 2013 là một năm đầy khó khăn, thách thức của các DN bởi kinh tế khó khăn khiến người dân ngày càng phải “thắt lưng, buộc bụng”. Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường, trong năm 2014, sức mua cũng chưa có dấu hiệu tốt hơn nên việc các DN sử dụng triệt để đòn bẩy liên kết để khuyến mãi nhằm kích cầu vẫn sẽ là xu hướng chính của ngành bán lẻ. Nhưng để thành công, các DN bán lẻ Việt Nam cần tận dụng tốt các cơ hội, đồng thời nắm bắt và phân tích tâm lý, hành vi mua sắm của khách hàng để đưa ra các chương trình kích cầu phù hợp. Các DN cũng phải xem lại khách hàng sẽ được gì khi mua sản phẩm tại các hệ thống của mình, từ đó có những biện pháp đầu tư để giữ chân khách hàng.
Hải Hà