Chính phủ vừa họp phiên thường kỳ vào ngày 31-3 và 1-4, nghe báo cáo về tình hình và bàn các giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1-2012 ước chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm 2011, thấp hơn mức tăng 5,57% của cùng kỳ năm trước; khá thấp so với cùng kỳ trong nhiều năm trở lại đây (chỉ cao hơn mức tăng 3,4% của năm 1999). Đồng thời, mức tăng trưởng GDP quý 1 vừa qua cũng có khoảng cách đáng kể so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra, theo đó GDP quý 1 năm tăng từ hơn 5% đến 6%, để tiến tới mục tiêu GDP cả năm 2012 tăng khoảng 6%.
Sau khi đánh giá toàn diện tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tiếp tục kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012, cụ thể ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 6%), đảm bảo an sinh xã hội.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải tạo thêm gia tốc cho nền kinh tế vốn đang gặp khó. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung giải quyết nhanh thanh khoản của ngân hàng; khoanh vùng các ngân hàng yếu kém để có các giải pháp xử lý hiệu quả; hạ dần lãi suất phù hợp với thanh khoản của ngân hàng và chiều hướng giảm dần của lạm phát; giải quyết các mâu thuẫn trong nội tại nền kinh tế để phục vụ phát triển...
Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến hai “điểm tựa” của nền kinh tế: đó là khu vực nông nghiệp và khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Sản xuất nông nghiệp, vốn luôn được xem là thế mạnh của nước ta, nhưng vừa qua cũng chỉ tăng chậm...Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,84% (thấp hơn mức bình quân chung, đóng góp 0,33 điểm phần trăm). Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,94%, đóng góp 1,27 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,31%, đóng góp 2,40 điểm phần trăm.
Tình hình “sức khỏe” của khối doanh nghiệp tư nhân với tuyệt đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng chưa có dấu hiệu được cải thiện, trong khi khu vực này đóng góp tới 2% - 3% cho tăng trưởng kinh tế. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới giảm 8% về số lượng doanh nghiệp và giảm 12% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011 thì số doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể hoặc đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn, dừng thực hiện nghĩa vụ thuế lại có chiều hướng gia tăng, trong đó riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng tới 57%.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang và sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc hạ mặt bằng lãi suất, các chính sách ưu đãi về thuế hướng đến việc khuyến khích khai thác tốt thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn gắn với mở rộng thị trường ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu. Công cuộc cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được tiến hành quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sự hậu thuẫn mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa một lần nữa được khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn gần đây nhất mà Thủ tướng dành cho báo Wall Street Journal nhân dịp đang tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại thủ đô Vương quốc Campuchia.
Thủ tướng tái khẳng định với tờ báo nước ngoài uy tín này chủ trương của Chính phủ là sẽ chỉ giữ lại một số doanh nghiệp nhà nước then chốt ở một số ngành nhất định và tiếp tục thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa. Theo Thủ tướng, việc tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước “là một trong những vấn đề chính của quá trình tái cơ cấu kinh tế”.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam có lần nhận xét, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung có khả năng thích nghi cao với môi trường. “Như là cỏ rạp xuống, nhưng rồi sẽ bật dậy khi cơn bão đi qua, trong khi nhiều cây to khác gãy đổ”, chuyên gia này ví von. Hy vọng rằng, với niềm tin vững chắc và sự hỗ trợ từ Chính phủ, với sức sống ấy, vào cuối năm 2012, trong mức tăng trưởng GDP 6% sẽ có sự đóng góp xứng đáng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Anh Thư