Ngày 7-12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2012 từ 6,1% xuống 6%. ADB cũng đánh giá lại, giảm dự báo tăng trưởng khu vực năm 2013 từ 6,7% xuống 6,6%. Đây là lần thứ hai trong năm nay, ADB hạ dự báo tăng trưởng châu Á năm 2012.
Ảnh hưởng từ Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ
Hồi tháng 4, ADB đưa ra dự báo kinh tế khu vực có thể đạt mức tăng trưởng 6,9% cho năm 2012. Tuy nhiên, đến tháng 10, ADB hạ dự báo xuống chỉ còn 6,1%, mức thấp nhất kể từ năm 2009 - thời điểm kinh tế châu Á chỉ tăng trưởng 6% do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới. ADB cho biết sự điều chỉnh trên được đưa ra sau khi có những số liệu kinh tế quý 2, trong đó những số liệu tiêu cực có phần vượt những dữ liệu tích cực.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ chậm hơn dự kiến trong khi các nền kinh tế đang công nghiệp hóa mới cũng không được như mong đợi, khiến ADB phải đánh giá lại tốc độ tăng trưởng chung của cả châu lục, cho dù theo ngân hàng này, một số nền kinh tế Đông Nam Á đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo số liệu mới công bố, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong quý 3 đã giảm còn 5,3%, tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm kể từ đầu năm. Nền kinh tế từng một thời bùng nổ đã chậm lại đáng kể bởi mức lãi suất cao, khủng hoảng nợ ở châu Âu và đầu tư rơi vào tình trạng uể oải do những lo ngại trong nước và quốc tế về chính sách cũng như nạn tham nhũng.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc có mức tăng trưởng trong quý 3 là 7,4% - thấp nhất trong hơn 3 năm. Mặc dù cũng đã xuất hiện một số dấu hiệu hồi phục cho thấy hoạt động sản xuất của nền kinh tế này đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11 vừa qua nhưng vẫn chưa có gì là đảm bảo.
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu cuối cùng đã lan tới Indonesia, một trong những thị trường mới nổi nóng nhất thế giới. Mặc dù đã tăng trưởng tốt trong suốt giai đoạn suy thoái kinh tế thế giới kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2012, gần đây, Indonesia đã đi từ chỗ thặng dư thương mại sang thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất từ trước đến nay do tăng trưởng xuất khẩu yếu ớt.
Bán lẻ có nhiều triển vọng
Sau chút khởi sắc đầu năm 2012, các nền kinh tế lớn của châu Á giờ bắt đầu lo ngại có thể sẽ tăng trưởng chậm lại do tác động từ diễn biến chung của kinh tế toàn cầu trong năm 2013. Theo Giáo sư Elfindri, các điều kiện kinh tế, thương mại và đầu tư trên thế giới trong năm tới tiếp tục không thuận lợi khi các đối tác chủ chốt như Mỹ và Liên minh châu Âu phải đối mặt với những khó khăn kinh tế-xã hội sâu rộng hơn, trong khi kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia tăng trưởng chậm lại rõ rệt.
Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng vừa hạ mức dự báo tăng trưởng GDP cho năm tới và cho biết thâm hụt cán cân vãng lai sẽ còn tiếp diễn. Cách đây vài ngày, Giáo sư Elfindri, nhà kinh tế hàng đầu thuộc trường Đại học Andalas, Indonesia dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm tới sẽ thấp hơn so với năm nay và mục tiêu tăng 6,8% do chính phủ đặt ra là quá cao và đề nghị chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong kế hoạch ngân sách nhà nước 2013.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù triển vọng cho sự phát triển tại châu Á đã suy yếu do kinh tế toàn cầu khó khăn và do sự tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế mới nổi Trung Quốc, Ấn Độ, bán lẻ đang là ngành có rất nhiều triển vọng.
Hạnh Chi (tổng hợp)