Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
(SGGPO). - Sáng 5-12, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF) - một cơ chế đối thoại chính sách mới thay cho Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) - đã khai mạc tại Hà Nội.
Toàn cảnh Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014. Ảnh: Lã Anh
Diễn đàn lần này tập trung thảo luận về cải cách thể chế kinh tế thị trường và phát triển khu vực tư nhân. Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Cải cách thể chế kinh tế sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế, còn phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ”.
Đồng chủ trì diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, cải cách thể chế không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Giai đoạn Đổi Mới với các chính sách về bảo đảm quyền sử dụng đất, bãi bỏ hợp tác hóa nông nghiệp, chính thức công nhận kinh tế tư nhân, khuyến khích đầu tư nước ngoài, tự do hóa thương mại... đã tạo môi trường đầu tư tương đối hấp dẫn và là làn sóng cải cách thể chế đầu tiên.
“Và kết quả thật khả quan: Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng GDP đầu người nhanh thứ 2 trên thế giới trong suốt 20 năm qua” - bà Kwakwa nhấn mạnh.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (phải) chúc mừng Thủ tướng về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong năm 2014. Ảnh: Lã Anh
Là một nước thu nhập trung bình, trong vòng 5 năm tới tại Việt Nam sẽ diễn ra đồng thời một số tiến trình quan trọng, đó là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII vào đầu năm 2016. “Nếu các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách có thể tận dụng cơ hội này, thì đó sẽ là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam thành công với tư cách là một nước thu nhập trung bình và giúp Việt Nam nhanh chóng đặt nền móng thực hiện hoài bão trở thành nền kinh tế có thu nhập cao.” - bà Kwakwa khẳng định.
Thông báo về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam với các đối tác phát triển tham dự VDPF 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2014 Việt Nam phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là tình hình phức tạp ở biển Đông đe dọa hòa bình, ổn định và đã tác động tiêu cực rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực phấn đấu của mình và sự giúp đỡ ủng hộ của cộng đồng và bạn bè quốc tế, trong năm 2014 Việt Nam đã đạt được những thành quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tham gia Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014. Ảnh: Lã Anh
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2014 tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,9%; năm 2015 sẽ đạt mức tăng trưởng 6,2%. “Chúng tôi cũng đã dự kiến kế hoạch 5 năm 2016-2020 GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6,5%-7%/năm” – Thủ tướng nói.
Về định hướng giải pháp cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm 2015 Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp, để huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực. Cải cách mạnh thủ tục hành chính, cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Có thể nói rằng việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là động lực, là giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” – Thủ tướng nói.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2014, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 3%, năm 2015 sẽ chủ động kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5% để thúc đẩy phát triển kinh tế. Giảm bội chi ngân sách từ 5,3% năm 2014 xuống 5% vào năm 2015. Toàn bộ bội chi này sẽ dành cho đầu tư phát triển. Việt Nam cũng bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn. Xuất khẩu năm 2014 lần đầu tiên đạt kim ngạch 150 tỷ USD, tăng 13%, tăng gấp 3 lần so với khi Việt Nam gia nhập WTO. Và 3 năm liền Việt Nam xuất siêu, trong đó riêng năm 2014 xuất siêu 1,5 tỷ USD.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tích cực để kết thúc đàm phán 6 hiệp định thương mại mới, trong đó sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU vào đầu năm 2015, kết thúc Hiệp định thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga - Belarus – Kazakhstan.
“Vài ngày nữa, tôi và Tổng thống Hàn Quốc sẽ chứng kiến lễ ký tắt để kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc” – Thủ tướng cho biết.
Việt Nam cũng sẽ cùng các đối tác nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Trên cơ sở đó, Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích thúc đẩy mạnh thương mại và thu hút FDI của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.
Sau phần phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đối thoại với các đối tác phát triển về những vấn đề mà hai bên quan tâm, trước khi bước vào 2 phiên thảo luận chính của VDPF 2014 về cải cách thể chế kinh tế thị trường và phát triển khu vực tư nhân.
HÀM YÊN