Qua khảo sát trên các diễn đàn và mạng xã hội, phần lớn người lao động và người dân hiện đang xôn xao bày tỏ quan ngại về chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu và giảm mức lương hưu được thụ hưởng thấp hơn so với cách tính hiện nay. Trong đó, phần lớn cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu mà vẫn giữ nguyên như hiện nay. Rất nhiều người lao động không khỏi lo lắng không chỉ cho quyền lợi của mình mà còn cả bức tranh chung về thị trường lao động và ổn định phúc lợi xã hội. Không ít người còn cho rằng, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là nhằm “mục đích nhóm” - tạo điều kiện kéo dài thời gian làm việc và “tại vị” cho một số nhóm đối tượng lao động có nhu cầu, trong khi sẽ ảnh hưởng tới mong muốn và quyền lợi của rất nhiều lao động khác.
Thật ra, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động đã được nêu ra 3 - 4 năm nay, khi câu chuyện Quỹ Bảo hiểm xã hội bị quá tải, có thể đứng trước nguy cơ vỡ quỹ và ảnh hưởng tới quyền lợi của mọi người lao động. Nguyên nhân là do hiện nay tuổi thọ của người được hưởng lương hưu tăng cao, trong khi mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn ít.
Cũng nhiều năm nay, qua nhiều cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách đều đau đầu khi tính toán và đưa ra nhiều phương án khác nhau về việc quy định lại độ tuổi nghỉ hưu nhằm cứu quỹ, trong đó giữa các chuyên gia và nhà hoạch định, nghiên cứu chính sách cũng có những quan điểm trái nhau. Tuy nhiên, tất cả đều chung một mối lo là làm sao để đảm bảo giữ vững được Quỹ Bảo hiểm xã hội, ổn định kênh phúc lợi cho tất cả người lao động sau khi đã có cả quá trình lao động và cống hiến, đến tuổi cần được nghỉ ngơi mà vẫn có nguồn lương hỗ trợ, không phải tham gia lao động.
Từ tinh thần đó, mới đây nhất, các cơ quan chức năng của Chính phủ đã đưa ra dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội chuẩn bị trình Quốc hội ngay kỳ họp vào tháng 5-2014 này về phương án tăng tuổi nghỉ hưu áp dụng cho cả lao động nam và nữ. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ áp dụng một trong hai phương án là cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Từ năm 2020 trở đi, sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình như trên. Như vậy, thời gian làm việc và đến độ hưởng lương hưu của người lao động sẽ kéo dài thêm (nam thêm 2 năm, nữ thêm 5 - 7 năm). Đồng thời, dự thảo cũng đưa ra quy định mới về cách tính mức lương hưu được hưởng khác hẳn hiện nay. Cụ thể, từ năm 2015 trở đi, lương hưu của khu vực nhà nước sẽ lấy mức bình quân đóng bảo hiểm xã hội của cả quá trình đóng, thay vì 10 năm cuối cùng của quãng đời làm việc như hiện nay. Điều đó đồng nghĩa việc nhiều người sẽ phải nhận mức lương hưu thấp hơn so với quy định hiện nay.
Theo giải thích của Bộ LĐTB-XH và các cơ quan liên quan, quy định như vậy là để kéo dài thêm thời gian làm việc cho người lao động, tăng thời gian đóng bảo hiểm để tăng nguồn thu và giảm thiểu sức ép về mức chi trả cho Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Như ở trên đã đề cập, việc cứu Quỹ Bảo hiểm xã hội là cần thiết và đã được các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước phân tích, báo động. Tuy nhiên, dù trên tinh thần và phương án nào thì việc cân nhắc giữa mục tiêu bảo vệ quỹ phúc lợi chung và bảo vệ quyền lợi sát sườn của người lao động phải được tính toán cẩn thận, phải đứng về người lao động, vì quyền lợi chính đáng và xuất phát từ mong muốn của người lao động. Thực tế hiện nay, có những người lao động rất cần được khuyến khích tăng thêm thời gian làm việc, kéo dài tuổi nghỉ hưu (như các nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật, giáo sư, chuyên gia năng lực…) để khai thác tài năng, kinh nghiệm, hiệu quả công việc của họ. Thế nhưng, có nhiều đối tượng khi có tuổi lại không đảm bảo sức khỏe để phù hợp với vị trí công việc nên làm việc không hiệu quả, chưa kể những người lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc thì họ càng mong ước được hưởng chế độ hưu sớm để đảm bảo sức khỏe mà vẫn được thụ hưởng lương hưu trợ cấp. Do đó, nhiều người đề nghị việc quy định độ tuổi nghỉ hưu cho lao động nam và nữ cần có phương án linh hoạt chứ không nên cứng nhắc, chỉ nên áp dụng cho những nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng còn làm được việc, đóng góp được thêm cho xã hội.
Về mức thụ hưởng, lương hưu như mức hiện nay đối với nhiều người thật sự là không đủ trang trải cho cuộc sống khi mặt bằng giá cả tăng vọt. Trong khi xu thế chung là phải đảm bảo tăng mức trợ cấp và các khoản phúc lợi cho người lao động nói chung, người hưởng lương hưu nói riêng. Để công bằng hơn, cần chọn cách tính mức lương hưu được xác định theo hiệu quả công việc và thời gian cống hiến, thay vì mất cân đối như hiện nay – có khu vực, đối tượng được hưởng quá cao, nhiều nơi lại quá thấp, không đủ sống. Nhiều quan điểm cũng cho rằng, để cứu Quỹ Bảo hiểm xã hội cũng có thể tính thêm các phương án khác như mạnh dạn tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước, những nơi cồng kềnh và kém hiệu quả, thậm chí ngay trong hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội, loại bỏ những người làm công ăn lương theo kiểu “vật vờ”, “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”… cũng đã giảm nhiều sức ép cho quỹ.
Các chuyên gia cũng bày tỏ, khuyến khích lao động sáng tạo thông qua tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, nhưng nhà nước phải có cơ chế, điều kiện về chính sách để phát triển thật mạnh thị trường lao động, thu hút đầu tư để tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, giảm thiểu đáng kể tình trạng rất nhiều người lao động đang “đói” việc làm và thu nhập như hiện nay.
VĂN PHÚC