Tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị Covid-19

Ngành y tế đang xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ cao, giúp các bác sĩ điều trị trực tiếp và các chuyên gia đầu ngành dễ dàng theo dõi, đánh giá, sớm đưa ra các chỉ định can thiệp… Đây là thông tin được ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
Các chuyên gia đầu ngành hội chẩn trực tuyến điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng
Các chuyên gia đầu ngành hội chẩn trực tuyến điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng

PHÓNG VIÊN: Ông nhận định thế nào về sức khỏe bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 này? 

Ông LƯƠNG NGỌC KHUÊ: Thống kê từ Tiểu ban điều trị cho thấy, trong đợt dịch này, khoảng 80% số người mắc Covid-19 có triệu chứng. Cơ thể người mắc ít thấy có biến đổi, sốt không cao, cảm giác mệt mỏi chưa nhiều, viêm phổi chưa biểu hiện. Đáng lưu ý, có tới 20% bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch này có thể diễn biến nặng nhanh. Trong đó có 10% dễ chuyển từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% có nguy cơ cao chuyển sang nặng; 5% có nguy cơ rất nặng. Đây đều là những trường hợp dễ tử vong, do đó, chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay vẫn tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân này phải có tiêu chí cụ thể để thầy thuốc tại tất cả bệnh viện căn cứ vào đó xử lý, kết nối hội chẩn với các chuyên gia tuyến trung ương khi cần thiết. 

Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 trong đợt này bị nhiễm biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ khiến dịch lây lan nhanh và có độc lực mạnh hơn. Việc này có tác động như thế nào đối với công tác điều trị, thưa ông?

Thế giới đã có nhiều cảnh báo về diễn biến nhanh của chủng virus từ Ấn Độ. Tại Việt Nam, qua hội chẩn cho thấy có những ca bệnh biến chuyển rất nhanh. Do đó, các trường hợp khỏe mạnh, không bệnh nền vẫn phải cảnh giác, đưa vào khu điều trị đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát sao. Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng tại nước ta ít thay đổi so với trước nhưng do số bệnh nhân đông nên số ca nặng cũng tăng lên gấp 3-4 lần khiến việc điều trị khó khăn, phức tạp hơn. Với khoảng 3.000 bệnh nhân mắc Covid-19 từ đầu đợt dịch thứ 4 tới nay, đã có 9 ca tử vong. Phần lớn số ca tử vong đều có bệnh lý nền và cao tuổi. Chỉ một trường hợp là nữ công nhân 38 tuổi ở Bắc Giang tử vong với diễn biến viêm phổi nhanh và không rõ bệnh nền. Hiện nay, chúng ta vẫn đang làm chủ được tình hình, tuy nhiên do số lượng bệnh nhân tại các khu công nghiệp đông nên lực lượng điều trị cần tập trung trí tuệ và các biện pháp tốt nhất để giảm tử vong xuống mức thấp nhất. 

Thưa ông, với số bệnh nhân đang tăng rất cao, công tác điều trị sẽ có những thay đổi, ứng phó như thế nào để hiệu quả hơn?

Chúng tôi đang xây dựng phần mềm có sự hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng. Phương án này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, không mắc các bệnh nền nhưng có diễn biến nặng trong thời gian ngắn. Phần mềm này được xây dựng dựa trên cập nhật, kinh nghiệm của các nước với 5-10 tiêu chí như: nhịp thở, nồng độ oxy trong máu và nhiều chỉ số lâm sàng khác. Khi các chỉ số lâm sàng này của người bệnh có thay đổi, ngay lập tức phần mềm có cảnh báo cho bác sĩ để chuyển trạng thái ngay như: chuẩn bị sẵn oxy, máy thở, phương tiện cấp cứu hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đặc biệt, các trường hợp diễn biến nặng sẽ xuất hiện cảnh báo đỏ. Điều này giúp các bác sĩ điều trị trực tiếp và các chuyên gia đầu ngành dễ dàng theo dõi, đánh giá, sớm đưa ra các chỉ định can thiệp. Đồng thời phần mềm này có thể hỗ trợ sàng lọc các F1 nguy cơ cao có khả năng tiến triển thành F0.

Theo Tiểu ban điều trị, tính đến ngày 26-5, các bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại 85 cơ sở y tế ở các tuyến trong cả nước. Trong đó có 25 trường hợp nguy kịch phải thở oxy xâm nhập/ICU và can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo); có 96 bệnh nhân tiên lượng nặng; 102 bệnh nhân nặng; 14 bệnh nhân nặng phải thở máy không xâm nhập.
Ngày 26-5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có công điện đề nghị UBND và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương củng cố điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, đặc biệt là máy thở, hệ thống oxy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và các bệnh viện được phân công thu dung điều trị các ca bệnh Covid-19… Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phân công ít nhất một bệnh viện trên địa bàn làm bệnh viện dã chiến, trong đó có bố trí khu cấp cứu, hồi sức tích cực và chuẩn bị các trang thiết bị y tế cần thiết.

Tin cùng chuyên mục