Tạo cơ chế khuyến khích thanh toán điện tử

Sáng nay, 16-12, Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) do Ngân hàng Nhà nước và Báo điện tử VnExpress đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Tạo cơ chế khuyến khích thanh toán điện tử

(SGGPO). - Sáng nay, 16-12, Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) do Ngân hàng Nhà nước và Báo điện tử VnExpress đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là "Kết nối và hợp tác" nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử, với hai nội dung thảo luận chính là thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công và doanh nghiệp; thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc Diễn đàn thanh toán điện tử 2015

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là một sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng rất lớn nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán. “Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán đã giúp GDP tăng khoảng 1%” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại, mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến đã được đề ra từ lâu, tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn. Cơ chế khuyến khích không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. “Làm thế nào để thói quen tốt đó diễn ra nhanh hơn. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thấy thế giới nhìn vào đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
 
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Toàn Thắng, thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ và thông điệp chính được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại diễn đàn là "Kết nối và hợp tác" nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển nhanh hơn.

Đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện nay những chính sách của Chính phủ để phát triển thương mại điện tử đã rất rõ ràng. Những điều kiện để phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử như hạ tầng kỹ thuật đã rất thuận lợi. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ Công thương đối với việc xây dựng chính sách thương mại điện tử toàn diện nói chung, trong đó có thanh toán điện tử với những nội dung, giải pháp rất cụ thể.

Trình bày tham luận "Những giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử để làm sao giúp tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp", ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã tạo chuyển biến có tính cách mạng, làm thay đổi bộ mặt xã hội. Những công nghệ mới, kỹ thuật mới của kỷ nguyên số cho phép phát triển những phương thức thanh toán mới, trong đó phát triển thanh toán điện tử là một xu hướng của thời đại mới.

Theo ông Bùi Quang Tiên, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại hết sức quan tâm đến phương thức này. Quá trình triển khai đã đạt được những thành tựu đáng kể, tạo kết nối thông suốt trong toàn hệ thống, với mạng lưới rộng khắp toàn quốc, cung cấp nhiều hình thức thanh toán điện tử hiện đại, giúp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng luân chuyển vốn trong nền kinh tế và hỗ trợ đắc lực cho trao đổi, phân phối hàng hóa, dịch vụ của các ngành, lĩnh vực. Gần đây, lĩnh vực dịch vụ công điện tử đang được Bộ Tài chính đẩy mạnh. Theo số liệu Bộ Tài chính, đến nay đã có 90% số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đăng ký nộp thuế điện tử, tuy nhiên số lượng giao dịch còn chưa như kỳ vọng. Để cải thiện tình hình này, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có sự phối hợp giữa Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán của các ngân hàng làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Một khía cạnh khác, thanh toán điện tử vẫn còn rất thấp. Năm 2014, mua bán trực tuyến đạt doanh số 3 tỷ USD, nhưng thanh toán điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. Số lượng điểm chấp nhận thẻ (POS) lắp đặt đã tăng nhanh, dự kiến có thể đạt 25.000 POS cuối năm 2015, tuy nhiên số lượng thanh toán chưa nhiều.

Ông Bùi Quang Tiên đề nghị giữa ngành ngân hàng và Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần phải tăng cường việc trao đổi, bàn cách phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên mọi khía cạnh từ cơ chế, chính sách, mô hình kết nối, các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ… Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nhất của thế giới vào thanh toán điện tử, thay đổi cách thức hoạt động … giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm lớn về thời gian, chi phí, nguồn lực cũng như nâng cao hiệu quả chung của kinh tế xã hội.
 
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận ghi nhớ liên bộ về “Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ”. Qua lễ ký kết này, Ngân hàng Nhà nước mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác nhiều hơn nữa của các bộ ngành để thúc đẩy thanh toán điện tử ngày càng phát triển.


HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục