Tiếp nối kết quả Chương trình Hợp tác Kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, từ hơn 1 năm qua, Sở Công thương TPHCM đã tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại với Sở Công thương với 7 tỉnh miền Đông và 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ.
Hình thành chuỗi liên kết sản phẩm
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, chương trình hợp tác thương mại được triển khai theo 4 nội dung sau: Hỗ trợ, cung cấp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại; phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết đầu tư, hỗ trợ DN TP đầu tư các dự án sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt tại các tỉnh, thành, nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường TP, đồng thời hỗ trợ các địa phương bạn phát triển mạng lưới phân phối hiện đại và đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của TP; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hóa từ các tỉnh, thành cung ứng về TP, đảm bảo xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm; tham gia và hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình hội nghị, hội thảo, tổ chức phiên chợ hàng Việt…
Trong năm 2012 - năm đầu tiên thực hiện, TPHCM bước đầu đã định hình được thế mạnh của từng tỉnh, thành làm tiền đề để TP xây dựng chiến lược cung - cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm cho thị trường TP. Cụ thể, thịt gia súc được hợp tác với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh; thịt gia cầm từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh; trứng gia cầm từ các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp; rau củ quả từ Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang và TPHCM. Ngoài ra, TPHCM cũng đã xác định được khả năng cung ứng các đặc sản của từng địa phương, vùng miền nhằm hỗ trợ, tìm đầu ra cho các làng nghề.
Theo tính toán của các tỉnh đang thực hiện việc liên kết với các DN của TP, lượng hàng cung ứng cho thị trường TPHCM hiện chiếm bình quân khoảng 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Riêng tại một số tỉnh thực hiện việc sản xuất và chăn nuôi chuyên ngành như Đồng Nai, Lâm Đồng, lượng hàng cung ứng cho TP chiếm tới 70% tổng sản lượng toàn tỉnh. Bình quân mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 1.000 - 1.100 tấn (gồm cả sản phẩm đông lạnh nhập khẩu) và khoảng 3 - 3,5 triệu quả trứng gia cầm. Trong số đó, các sản phẩm nông nghiệp của TP chỉ cung ứng được khoảng 15% - 20% nhu cầu tiêu thụ của TP, phần còn lại đều phải được cung ứng từ các tỉnh và nhập khẩu.
Từ chương trình hợp tác, các tỉnh thành cũng đã nỗ lực giới thiệu cho DN TP những địa điểm, mặt bằng để đầu tư, phát triển nhanh hệ thống phân phối. Tính đến nay, các DN trong lĩnh vực phân phối của TP như Saigon Co.op, Vinatex, Fahasa,… đều có siêu thị hiện diện đầy đủ tại 20 tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, đồng thời nghiên cứu để phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh.
Hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm
Có thể nói, các tỉnh thành hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa cho thị trường TP. Ngược lại, TPHCM đã trở thành nơi tiêu thụ hàng nông sản lớn nhất nước. Đánh giá việc thực hiện liên kết giữa TPHCM và các tỉnh, thành, nhiều ý kiến cho rằng, đã có những thành công nhất định song vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho rằng nếu bám theo 4 nội dung để sơ kết đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện thì TP hiện mới chỉ làm tốt được 2 nội dung đầu. Trong khi đó, vấn đề trọng tâm của chương trình hợp tác là phải tìm ra các giải pháp tối ưu để giúp các DN TP thu mua nông sản từ các tỉnh để sơ chế, chế biến vừa cung ứng cho thị trường trong nước, vừa phục vụ cho xuất khẩu. Các tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho DN TP như thế nào để họ có thể phát triển bền vững.
Là người trực tiếp chỉ đạo triển khai chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng khẳng định, một năm chưa phải là dài để có thể bóc tách chính xác những mặt được và chưa được. Tuy nhiên, với những kết quả bước đầu mang lại, cho thấy Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành là rất quan trọng và hết sức ý nghĩa. Chương trình đã tạo điều kiện cho các DN TP đặt mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển đầu tư và cung ứng hàng hóa cho thị trường TP, giúp các DN từng bước khép kín được quy trình sản xuất - phân phối, hướng đến phát triển bền vững. Thông qua chương trình, các sở, ngành chức năng có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về nhiều mặt, từ đó hoàn chỉnh bộ máy quản lý.
Rút kinh nghiệm những mặt được và chưa được, năm 2013 TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện chương trình có trọng điểm, đi vào chuyên đề, chiều sâu, không dàn trải và phải có sự phối hợp của nhiều địa phương có cùng thế mạnh, tiềm năng nhằm khai thác tối đa lợi thế từ các bên. Để làm được việc này, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Sở Công thương và các sở ngành chức năng cần chia theo nhóm để triển khai tốt hơn 4 nội dung của chương trình. Tăng cường khảo sát, trao đổi thông tin, trao đổi hàng hóa, công nghệ về giống cây và giống con để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Thực hiện luân phiên tổ chức các chương trình hội thảo chuyên đề về xây dựng mô hình sàn giao dịch hàng hóa, chợ an toàn, xây dựng kênh phân phối, hướng đến xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng và miền, phục vụ tốt hơn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
“Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành sẽ là nền tảng để hỗ trợ các DN từng bước nâng cao quy mô đầu tư, tiến tới khép kín quy trình cung ứng và phân phối sản phẩm, giảm bớt tầng nấc trung chuyển hàng hóa, tiết giảm giá thành sản phẩm, là cơ sở để TPHCM thực hiện tốt chương trình bình ổn giá” - Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Thúy Hải