Theo Bộ Nội vụ, chỉ tính trong giai đoạn 30 năm từ 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713 (tăng 282 đơn vị); đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 9.657 lên 11.162 (tăng 1.505 đơn vị). Cùng với đó là số thôn, xóm, tổ dân phố cũng có nhiều thay đổi biến động về số lượng. Nhìn lại lịch sử cho thấy quá trình chia tách, hay sáp nhập đơn vị hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội. Điển hình là việc sáp nhập tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội đã giúp cho Thủ đô được mở rộng, tăng thêm nhiều nguồn lực cho phát triển.
Tuy nhiên thực tế cũng đã chỉ rõ, hiện nay bộ máy cơ quan nhà nước và các cấp chính quyền, từ thôn/xóm tới tỉnh/thành ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Chi ngân sách nhà nước tăng cao do tăng biên chế và quỹ tiền lương xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên. Thực tế cho thấy, tại nhiều khu dân cư trong cả nước chỉ có khoảng 20-30 hộ dân, thậm chí chỉ hơn 10 hộ dân cũng đã là một đơn vị thôn/xóm, tổ dân phố với đầy đủ các chức danh cán bộ không chuyên trách và trưởng, phó các đoàn thể hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước.
Nhận thấy những bất cập về bộ máy nêu trên, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong đó chỉ rõ mục tiêu đến năm 2021 sẽ từng bước sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn/xóm, tổ dân phố. Do đó, thực hiện sắp xếp tinh gọn các đơn vị hành chính là yêu cầu cấp thiết được đặt ra nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, tiết kiệm nguồn ngân sách chi trả tiền lương cán bộ. Theo tính toán của Bộ Nội vụ, chỉ tính riêng việc sáp nhập số đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chí về diện tích và dân số đã giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm không dưới 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Hơn nữa, sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy các đơn vị hành chính và cán bộ cơ sở cho hợp lý, là hướng đi cần thiết cho sự phát triển bền vững, ổn định của địa phương cũng như cả bộ máy cơ quan chính quyền các cấp. Đây còn là động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội và tạo thuận lợi hơn trong việc quy hoạch tổng thể ở mỗi địa phương. Từ đó, sẽ tạo ra được những định hướng có tầm lớn hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thấy rằng, sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính cấp thôn/xóm, xã/phường chưa đạt chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên là công việc không đơn giản, thậm chí là rất phức tạp và nhạy cảm vì liên quan trực tiếp tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, để tránh xáo trộn ở địa phương, cũng như nhận được sự đồng thuận của nhân dân, cán bộ, đảng viên khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần phải được thực hiện rất kỹ lưỡng, thận trọng, không nóng vội, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng pháp luật, nhưng cũng phải linh hoạt mềm dẻo và hơn cả là phải đặt mục tiêu, quyền lợi của người dân lên hàng đầu.