Tạo dựng giá trị để loại bỏ “rác văn hóa”

“Người xem không vô can, cơ quan chức năng chậm phản biện…”, là phản hồi của độc giả tên Vinh (vddy…@gmail.com) xung quanh vấn đề tin giả tràn lan mà Báo SGGP đã phản ánh qua loạt bài Chẩn trị “rác văn hóa”. Làm cách nào để dẹp bỏ “rác văn hóa” là sự quan tâm của rất nhiều độc giả Báo SGGP.
Kênh YouTube “Khói Lam Chiều”, một trong những kênh có nội dung tích cực hiện nay
Kênh YouTube “Khói Lam Chiều”, một trong những kênh có nội dung tích cực hiện nay

Xây dựng “bộ lọc”

Với những loại “rác văn hóa” đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa - tinh thần người dân, chị Bùi Thị Vân Anh, nhân viên Ngân hàng Abbank, cho rằng: Không chỉ dưới góc độ ở mạng xã hội, với cơ chế tự do, thiếu sự kiểm soát, việc tạo ra một trang thông tin điện tử hoặc blog rất dễ dàng. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng điều này để tự do đăng tải những nội dung không phù hợp, chưa được kiểm chứng lên mạng, gây nhiễu loạn thông tin. “Tôi nghĩ, mỗi cá nhân cần ý thức được những hành động mà bản thân mình đang làm, tự xây dựng “bộ lọc” và cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị, của cả hệ thống pháp luật. Ở lứa tuổi học sinh cần có sự định hướng, can thiệp từ gia đình. Với người đi làm, các doanh nghiệp, cơ quan cũng nên xây dựng quy chế về phát ngôn trên mạng xã hội và có chế tài xử lý các vi phạm, từ nhẹ đến nặng như phê bình, trừ lương, thậm chí nếu gây ảnh hưởng lớn có thể bị đuổi việc”, chị Vân Anh chia sẻ.

Hoàn toàn đồng tình với những vấn đề về “rác văn hóa” mà Báo SGGP đã nêu, chị Hoàng Thị Quỳnh Thắm (ngụ quận Gò Vấp) nói thêm: Tôi từng xem những buổi livestream của người bán hàng online, thậm chí là một số nghệ sĩ khá nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Nhiều người thường chọn các phát ngôn gây sốc, tục tĩu, xúc phạm cá nhân để gây sự chú ý, tăng lượt tương tác. Tôi cũng khá bất ngờ khi một bộ phận giới trẻ lại có suy nghĩ lệch chuẩn, những nội dung xấu, tiêu cực lại được chia sẻ rầm rộ, đôi khi trở thành trào lưu trái với thuần phong mỹ tục của người Việt. Hơn ai hết, mỗi người sử dụng mạng xã hội, nhất là người trẻ, cần có ý thức, ứng xử có văn hóa, biết phân biệt và chọn lọc nội dung xấu - tốt trên mạng trước khi ấn nút chia sẻ hoặc bình luận”.

Chênh giữa quản lý và thực tiễn

“Vấn đề trang tin online đưa tin tào lao, kênh YouTube vớ vẩn, tôi đã từng thấy qua không ít. Chuyện viết về nghệ sĩ qua đời, đại gia “cặp” chân dài... tràn lan trên các trang tin quả thật không thể chấp nhận được. Tất cả những điều này sẽ làm nhiễu thông tin chính xác từ cơ quan báo chí chính thống”, anh Nguyễn Phan Tấn Duy, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM chia sẻ.

Nhằm hạn chế trang tin online, kênh YouTube với những video “độc hại”, theo anh Tấn Duy, các cơ quan quản lý về mặt thông tin - truyền thông và văn hóa cần kiểm duyệt gắt gao hơn để đánh giá chất lượng thông tin từ các nguồn này. Anh nói: “Đặc biệt là những fanpage chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần có sự kiểm duyệt riêng. Chẳng hạn, những cơ quan báo đài, trang tin uy tín mới được phép xây dựng thêm fanpage thông tin trên mạng xã hội. Như vậy, sẽ hạn chế được những fanpage lập ra cố tình đưa tin giả để thu hút lượt thích và theo dõi của người dùng mạng xã hội”.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, xu hướng tương tác trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và đó cũng là xu hướng tất yếu khi công nghệ số phát triển. Tuy nhiên, cũng chính sự phát triển quá nhanh, mạnh của môi trường số dẫn tới có độ chênh giữa quản lý và thực tiễn. Ông chia sẻ: Chúng ta đã có Luật An ninh mạng, song đây là một khung pháp lý lớn rất cần lấp đầy bởi những quy định, quy tắc, nguyên tắc để điều chỉnh hành vi, ứng xử trên môi trường mạng. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa bị ám ảnh bởi diện mạo bên ngoài, bởi lượng người xem, người thích. Đây cũng là hệ quả của việc quá tập trung vào dạy kỹ năng mà quên đi việc dạy cách tạo dựng về giá trị. Nhiều bạn trẻ trên Tik Tok, Facebook, YouTube… có kỹ năng quan hệ với công chúng, có khả năng tạo ra xu hướng (trend) nhưng lại không có đủ tri thức để phân biệt, nhận định về những sản phẩm họ đưa lên mạng xã hội có nguy cơ cho cộng đồng hay không. Có những người dày công nghiên cứu các thuật toán AI để “lách” kiểm duyệt, nhưng lại không biết loại bỏ yếu tố được cho là “rác mạng”, “rác văn hóa”.

Để hạn chế hiện tượng “rác văn hóa”, các ý kiến của bạn đọc Báo SGGP cho rằng, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để mỗi người khi tham gia vào môi trường số không có nghĩa là “ảo”, là không phải chịu trách nhiệm với mỗi hành vi của mình; cần phải coi những công việc liên quan đến mạng xã hội như truyền thông, YouTube, Tik Tok… là một nghề để đào tạo và đưa đến cho họ năng lực cơ bản khi làm nghề. “Hướng dẫn họ biết về trách nhiệm số, đạo đức, nguyên tắc để bảo vệ bản thân và cộng đồng khi tham gia môi trường số… Cần phải chuyên nghiệp hơn thay vì tự phát như thời gian qua”, PGS-TS Trần Thành Nam nói.

Tin cùng chuyên mục