Tạo dựng sàn an sinh xã hội cho người cao tuổi

TPHCM có khoảng 460.000 người cao tuổi (chiếm 5,4% tổng dân số TP). Con số này ngày một tăng. Già hóa dân số đang là thách thức với các dịch vụ an sinh xã hội của TP. 
Thăm hỏi người cao tuổi tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè Ảnh: VIỆT DŨNG
Thăm hỏi người cao tuổi tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong khi người cao tuổi không thích vào trung tâm dưỡng lão, còn ở nhà thì con cái đi làm cả ngày, không người chăm sóc, vậy những biện pháp nào để chăm sóc tốt người già trên địa bàn TP?
Đối mặt tình trạng “già trước khi giàu”
Tình trạng này được Th.S Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), đề cập trong hội thảo “Giải pháp và mô hình chăm sóc người cao tuổi tại TPHCM”, do HIDS phối hợp Hiệp hội Hỗ trợ chăm sóc phúc lợi người cao tuổi và khuyết tật châu Á - Nhật Bản (ASCA) tổ chức vào ngày 17-4. Theo ông Thành, cuộc sống của người Việt Nam vẫn chưa đảm bảo đủ tích lũy khi về già. Do nhiều yếu tố, hiện nay Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng “già trước khi giàu”. Điều này làm tăng gánh nặng cho con cháu của người cao tuổi, khiến vấn đề chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình càng khó khăn. 
Nguồn thu nhập hàng tháng hiện nay của người cao tuổi có từ nhiều nguồn như lương hưu, gửi tiết kiệm, được con cháu hỗ trợ (50%). Thậm chí, nhiều người cao tuổi vẫn phải làm việc để có thể sinh tồn, nhiều người khác trông cậy vào trợ cấp xã hội (26%). Th.S Lê Văn Thành đánh giá: “Vấn đề trang trải tài chính cho cuộc sống của người cao tuổi không phải là bài toán dễ dàng cho mọi gia đình, đặc biệt là gia đình thu nhập thấp. Có rất nhiều người cao tuổi không là đối tượng của hệ thống bảo hiểm xã hội và họ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về kinh tế, sức khỏe”. 
Theo Th.S Lê Chu Giang, nguyên Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM), TP có 11 cơ sở bảo trợ xã hội thuộc cá nhân, tổ chức, đang chăm sóc trên 700 người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn, không thu tiền; có 5 nhà dưỡng lão thu tiền, mang tính kinh doanh, tiếp nhận hơn 300 người cao tuổi. Như vậy, số lượng người cao tuổi ở nhà dưỡng lão vẫn là con số rất khiêm tốn. Con cháu chỉ đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão khi không còn giải pháp nào khác. Mức phí dịch vụ từ khoảng 5 triệu đồng/người/tháng cũng là “vấn đề” khi các gia đình muốn gửi cha mẹ vào cơ sở dưỡng lão.
Tình hình hiện nay, theo HIDS, chăm sóc cho người cao tuổi tại gia đình vẫn đóng vai trò chính. Kể cả sống tại các cơ sở thì người cao tuổi vẫn mong muốn gắn bó, liên kết chặt chẽ với người thân. Từ đó, đòi hỏi việc xây dựng các mô hình chăm sóc người cao tuổi trong thời gian tới phải luôn chú trọng đến sợi dây liên kết với gia đình.
Cần tổng thể các biện pháp để “già hóa tại chỗ”
Theo các đại biểu, thời gian tới, TP cần chú ý xây dựng các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, từng bước phát triển mạng lưới và nâng cao năng lực chăm sóc người cao tuổi tại nhà. TS Nguyễn Thị Hoài Hương (HIDS) thông tin, tại TPHCM, dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu đã bắt đầu phát triển, với các dịch vụ thực hiện tại nhà như: tâm sự, nói chuyện với các cụ; mua thực phẩm theo chỉ định của người cao tuổi, chế biến thức ăn, cho các cụ ăn uống đúng giờ; tắm rửa, vệ sinh, thay quần áo; đưa các cụ đi dạo; sơ cứu, xoa bóp, tập vật lý trị liệu, thay băng, rửa vết thương; xử lý các tình huống phát sinh… Bà Hoài Hương cho rằng, mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng cần được nhân rộng. Bởi đây là hình thức già hóa tại chỗ: người cao tuổi tiếp tục sống và được chăm sóc tại ngôi nhà, cộng đồng của họ.  
Th.S Trịnh Thị Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM, nhận xét việc phát huy, phát triển nghề công tác xã hội trong chăm sóc người cao tuổi là một nhu cầu cấp bách. Th.S Nguyễn Thị Thanh Tùng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, lưu ý vấn đề tuổi thọ tăng cao (74 tuổi) nhưng tuổi khỏe mạnh vẫn còn thấp (64 tuổi). Như vậy, trong 10 năm cuối đời, nhiều người cao tuổi sống không khỏe. Nếu như tại các nước phát triển, lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cận tử cho người cao tuổi được Nhà nước quan tâm thì ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn còn mới mẻ.
Trường Đại học Y Dược TPHCM là một trong những nơi đã triển khai sớm nhất đơn vị lão khoa và chăm sóc giảm nhẹ nhằm hỗ trợ bệnh nhân nói chung, người cao tuổi nói riêng, giảm sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, cũng như thực hiện được phần nào những ước muốn cuối đời. Dự kiến, hoạt động này tiếp tục được mở rộng thông qua hình thức chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Theo bà Thanh Tùng, cần có mối quan hệ chặt chẽ giữa y khoa, tâm lý và công tác xã hội trong chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cận tử. Việc này cần thiết được áp dụng phổ biến, mà đầu tiên là trong các đơn vị lão khoa tại các bệnh viện.  
Ngay cả các cơ sở dưỡng lão cũng cần gắn chặt với các gia đình. Ông Lê Chu Giang gợi ý các nhà dưỡng lão cần đa dạng hoạt động chăm sóc phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện kinh tế gia đình. Còn theo TS Phạm Quang Huy, Học viện Hành chính quốc gia, Nhà nước cần thiết lập một chiến lược tổng thể trung hạn nhằm đảm bảo an toàn thu nhập cho người cao tuổi - bao gồm cả lương hưu và lương hưu đóng góp, lẫn phúc lợi xã hội - nhằm tạo dựng một sàn an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Tin cùng chuyên mục