Được mệnh danh “thủ phủ” của cây mai, vậy mà trên địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM, lại có một vườn lan, không chỉ cung ứng hoa ra thị trường mà còn cung cấp giống lan “made in Việt Nam”. Đó là cách làm “khác người” của ông Bùi Ngươn Hoàng (ngụ phường Linh Đông).
Chúng tôi vào bên trong vườn lan của ông Hoàng đang nở rộ đầy hoa vàng, hồng, tím. đó cũng là thời điểm chuẩn bị thu hoạch để bán ra thị trường. Khu vườn rộng khoảng 1.500m2, cho ra thị trường gần 300 nhánh/tuần, nhánh trung bình cao khoảng 5 tấc.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao không trồng cây mai mà trồng lan, ông Hoàng mỉm cười cho hay: “Đã có rất nhiều người hỏi câu này, với tôi, có lẽ đó là duyên số. Nhớ lại năm đó, Hội Nông dân phường thấy nhà tôi có đất rộng nhưng lại chỉ trồng vài cây ăn trái nên có hướng dẫn nhiều mô hình trồng trọt như mai, lan, nấm, bon sai. Thời điểm đó, cây mai ở vùng đất này đã nổi danh khắp nhiều tỉnh. Muốn trồng mai, phải có “cha truyền, con nối”, chứ mới vào nghề thì đầu tư vốn khá lớn, rất mạo hiểm. Đúng lúc ấy có lớp tập huấn trồng lan miễn phí và Hội Nông dân khuyên đi thử, rồi tôi bén duyên với lan luôn”.
Ông Hoàng chăm sóc giống lan thuần chủng
Bước vào nghề trồng lan từ năm 2002, tuy chỉ có vài chục chậu nhưng liên tục thất bại, ông Hoàng liền áp dụng mô hình trang trại V.A.C (vườn - ao - chuồng) để lấy ngắn nuôi dài; giữ hồ cá, nuôi gia cầm để có “vốn” ươm mầm vào vườn lan. Ý chí và quyết tâm của ông đã đưa đến kết quả của ngày hôm nay.
Để thu hoạch được cây lan cho năng suất cao, có nhành lan đẹp và dài, ông Hoàng chia sẻ: “Nhìn vậy chứ không phải trồng lan là dễ. Lan rất dễ bị bệnh tật, nhất là bệnh nấm trên thân cây. Yếu tố quan trọng là nghiên cứu chế độ ẩm trong vườn. Nhất là nguồn nước phải có độ pH trên 5,5 thì mới tưới cho lan được. Nước máy phải cho vào bồn để giảm nồng độ Clo, nước giếng thì phải tạo thêm Oxy. Bón phân cũng phải có kỹ thuật, như nắng gắt thì phải xài loại phân nào cho phù hợp. Muốn làm được điều này, cần phải trang bị “túi” kiến thức và bộ đồ nghề”.
Khi đã có “sản phẩm” hoa tung ra thị trường, thay vì đầu tư mở rộng diện tích tăng thêm năng suất, ông Hoàng tập trung vào phát triển giống. Để không tốn nhiều chi phí, ông Hoàng tiếp tục “kế sách” lấy ngắn nuôi dài. Theo ông Hoàng, nếu mở rộng vườn lan thì chắc chắn không đủ khả năng kinh tế, nên ông tiếp tục đầu tư phát triển mô hình thuần chủng giống lan.
“Có thể nhận thấy một điều, cây lan dần dần đã trở thành cây chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân TP. Nhưng phần lớn, cây giống lan đều nhập được từ nước khác về vì dễ trồng, dễ chăm sóc và cho ra hoa đẹp. Tâm lý người nông dân thường muốn đầu tư nhanh có sản phẩm cho ra thị trường, tiêu thụ ngay để thu hồi vốn sớm. Từ đó, trong đầu tôi luôn suy nghĩ một ý tưởng: Tại sao không thuần chủng từ lan nhập thành lan “made in Việt Nam” có sức “chịu đựng” khí hậu của TPHCM. Và cũng từ lúc đó, tôi nhận ra cây lan đã “quyến rũ” tâm hồn của mình”, ông Hoàng nhớ lại.
Và cứ thế, năm tháng dần trôi, cuối cùng, cây lan nhập đã được ông Hoàng thuần chủng, cứ như thay đổi “máu” - phát triển được với nắng, mưa của TP này. Nếu như nhiều vườn lan trồng trong tấm lưới mới có năng suất cao thì giờ đây, vườn lan của ông Hoàng trồng ngoài trời vẫn cho ra được hoa bình thường. Nói về “bí quyết”, ông Hoàng cho hay cứ sai ở đâu thì sửa đến đó, đạt được thành quả này là qua thời gian tích lũy kinh nghiệm. Từ sự cần cù, kiên trì, ông Hoàng đã gặt hái được trái ngọt, trở thành nông dân tiêu biểu của TPHCM năm 2016, giống lan của ông được nhiều người biết đến. Mọi người có thể liên hệ với ông Hoàng qua số điện thoại 0907.135.161 để có giống lan thuần chủng.
QUÝ NGỌC