Theo báo cáo Kinh doanh 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ thuận lợi đối với kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 90/189 nền kinh tế. Các lĩnh vực đánh giá kém thuận lợi và có điểm trung bình và dưới trung bình gồm: nộp thuế; bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; giải thể doanh nghiệp; tiếp cận điện năng; khởi sự kinh doanh. Còn báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 đã chỉ ra 5 nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam, gồm: “Tiếp cận tài chính”, “Chính sách không ổn định”, “Lao động qua đào tạo không đủ”, “Kỷ luật lao động kém” và “Tham nhũng”.
Không những vậy, do thiếu nền tảng cơ bản cho phát triển doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, phát triển hệ thống ươm tạo công nghệ... nên doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo Chỉ số về tinh thần kinh doanh toàn cầu (với 3 chỉ số thành phần là thái độ kinh doanh, năng lực kinh doanh và say mê kinh doanh) thì Việt Nam cũng rơi vào dạng rất thấp.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng được các yêu cầu của việc hội nhập sâu, Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách thể chế, trong đó đáng chú ý là sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ 1-7-2015). Những cải cách mạnh mẽ trong việc thành lập, đầu tư kinh doanh... trong 2 luật cùng với 2 Nghị quyết 19 (về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ban hành năm 2014, 2015) được nhìn nhận là những thay đổi lớn, có thể tạo thành làn sóng đầu tư, khởi nghiệp mới.
Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Theo PGS-TS Phạm Thị Hồng Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, nguyên nhân khiến môi trường kinh doanh còn hạn chế trước hết là do chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam, cho rằng, Chính phủ cần điều phối để đưa ra chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc: thúc đẩy khu vực tư nhân, tự do hóa, bình đẳng cho các doanh nghiệp; phát triển nguồn vốn con người; thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng...
“Liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không? “Câu trả lời tùy thuộc vào liệu có làn sóng cải cách thể chế hay không”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tự đặt câu hỏi và trả lời. Theo ông Lộc, chúng ta có một thời cơ thuận lợi khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết. Chúng ta đã vượt lên so với nhiều nước ASEAN và các nước láng giềng bên cạnh. Đây là cơ hội có một không hai khi TPP chưa mở rộng thành viên.
Theo ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên nền tảng kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế, cần dựa trên 4 yếu tố: nỗ lực của Nhà nước; áp lực của hội nhập quốc tế; động lực của doanh nghiệp, hiệp hội; huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế. Chúng ta phải nhận thức đầy đủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hy vọng tạo ra làn sóng đầu tư mới. Làn sóng khởi nghiệp quốc gia có hay không đều phụ thuộc vào Nhà nước. Nhà nước sẽ đóng vai trò là người kiến tạo, phục vụ và tạo mọi điều kiện của doanh nghiệp.
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thay đổi, cải thiện môi trường kinh doanh khi chúng ta sẽ tham gia các sân chơi lớn như TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU... Do đó, theo các chuyên gia, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp... thì cần rà soát, bổ sung và điều chỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cách tiếp cận theo hướng phát triển doanh nghiệp và vòng đời của doanh nghiệp, từ giai đoạn khởi nghiệp, gia nhập thị trường, hoạt động trên thị trường đến rút khỏi thị trường gắn với yêu cầu thực tiễn và tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó là rà soát, hoàn thiện cơ chế thực thi và phối kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa trung ương và địa phương nhằm phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước trong phát triển và tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng là tăng cường liên kết trong nước và kết nối khu vực thông qua liên kết giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế; khơi thông thị trường các yếu tố sản xuất, lao động, bất động sản, khoa học và công nghệ nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
HÀ MY