(SGGP).- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa ký Quyết định số 9028/QĐ-BCT, ngày 8-10-2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, đề ra 4 quan điểm phát triển gồm: Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển CNHT hài hòa, bền vững giữa các ngành công nghiệp với các ưu tiên đột phá để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp; trên cơ sở huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, CNHT Việt Nam đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp; năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu. Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp CNHT đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, đến năm 2030 sẽ tăng lên 2.000 doanh nghiệp.
Về giá trị sản xuất công nghiệp, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp lĩnh vực này chiếm 11% toàn ngành công nghiệp và đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 14%. Quy hoạch cũng đã đề ra mục tiêu, định hướng phát triển và quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực chính của CNHT bao gồm: Lĩnh vực linh kiện phụ tùng; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Để phù hợp với tình hình thực tế, Quy hoạch tập trung chỉ ra các nhóm ngành, nhóm sản phẩm ưu tiên phát triển làm cơ sở để các doanh nghiệp có định hướng lựa chọn sản phẩm phát triển phù hợp.
THẢO TIÊN