* Tiếp nhận 2.328 trẻ khuyết tật bại não học bán trú
(SGGPO).- Ngày 22-12, Ủy Ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM phối hợp với Chương trình Phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức hội thảo với chủ đề “Đảm bảo quyền được học tập của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC)”.
Theo thông tin từ Văn phòng tư vấn & Trợ giúp pháp lý HIV/AIDS, trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với trẻ OVC. Đặc biệt là ở cấp mầm non và tiểu học. Không ít phụ huynh học sinh đã phản ứng gay gắt với việc cho trẻ OVC học chung với con em họ. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí học tập cho trẻ OVC vì phần đông các em đều gặp khó khăn trong việc đóng học phí.
Theo khảo sát tại 4 trung tâm nuôi dưỡng trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS ở TPHCM, hiện đang có 210 em trong độ tuổi đi học nhưng chỉ có 186 em đi học, còn 24 em phải nghỉ học vì bị kỳ thị hoặc do những yếu tố khác (như bệnh tật, không có tiền đóng học phí…). Ước tính, ở Việt Nam hiện có khoảng 5.100 trẻ trong độ tuổi đi học (từ 0 đến 15 tuổi) bị nhiễm HIV/AIDS và hàng ngàn trẻ khác bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM Lê Trường Giang cho biết, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo quyền học tập cho trẻ OVC. Tuy nhiên, công tác đưa trẻ OVC đến trường còn gặp phải sự phản ứng của một số phụ huynh học sinh. Do đó, trong thời gian tới ủy ban sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự hiểu biết và đồng cảm của thấy cô, phụ huynh học sinh với trẻ OVC, đồng thời yêu cầu các ban ngành và chính quyền địa phương cần kiên quyết trong việc xử lý các hành vi vi phạm quyền của trẻ OVC để tạo điều kiện thuận lợi cho các em được học tập như bao trẻ em khác.
* Ngày 22-12-2010, Trung tâm Bảo trợ tàn tật mồ côi Thị Nghè (Sở LĐTB-XH TPHCM) đã tổ chức đánh giá hoạt động bán trú dành cho trẻ bị bại não, chậm phát triển trí tuệ, thiểu năng tâm thần có gia đình trên địa bàn TPHCM.
Hiện nhu cầu gởi trẻ em bán trú bị khuyết tật - dạng bại não ở TP rất lớn nhưng khả năng tiếp nhận của trung tâm có hạn, bình quân mỗi năm học trung tâm tiếp nhận khoảng 200 cháu, riêng năm học 2010 tiếp nhận 212 cháu.
Ngoài tham gia học tập, phục hồi chức năng vận động, rèn luyện kỹ năng sinh hoạt, các em còn được dạy văn hóa, phát triển tri thức... Kết quả nhờ tham gia các lớp bán trú, đa số trẻ khuyết tật bại não đều có tiến bộ rõ rệt về vận động, phát triển trí tuệ, văn hóa và biết thêm nhiều kỹ năng sinh hoạt, ứng xử, giao tiếp.
Tính từ khi thành lập khu bán trú đến nay, trung tâm đã tiếp nhận chăm sóc, dạy học cho 2.328 trẻ khuyết tật, chủ yếu là dạng bại não, góp phần hạn chế tình trạng bị bỏ rơi, trở thành mồ côi của các em.
T.Đạt - K.H.