Tạo nguồn kịch bản cho điện ảnh Việt

Sau 10 năm, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) mới đứng ra phát động thi sáng tác kịch bản. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cuộc thi kỳ vọng sẽ khích lệ, động viên các biên kịch, đồng thời sẽ tạo được nguồn kịch bản tốt, hay cho các đơn vị sản xuất lựa chọn.
Cảnh trong phim Long Thành cầm giả ca, phim được làm từ kịch bản đoạt giải nhất trong cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Cảnh trong phim Long Thành cầm giả ca, phim được làm từ kịch bản đoạt giải nhất trong cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Lấp khoảng trống 

Kịch bản là bước đầu tiên trong quá trình sáng tạo của một tác phẩm điện ảnh. Song, thiếu kịch bản phim hay, độc đáo là một trong những điểm yếu của điện ảnh Việt Nam. Sự thiếu hụt này đã đến mức báo động. Gần đây, một số đơn vị sản xuất phải đi lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài rồi Việt hóa thành kịch bản phim của Việt Nam. Thực tế trong nhiều năm qua, những người tâm huyết với điện ảnh Việt Nam cố tổ chức cuộc tìm kiếm gương mặt mới trong làng biên kịch qua một số cuộc phát động sáng tác, mở trại sáng tác... Nhưng nỗ lực của giới điện ảnh trong hành trình tìm kiếm các biên kịch cũng chưa thể lấp đầy khoảng trống.

Trong cuộc phát động tìm kiếm kịch bản phim truyện lần này, theo Cục Điện ảnh, ngoài chọn các kịch bản mà Nhà nước vẫn chú trọng đặt hàng như đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc và thiếu nhi thì chủ trương tìm kiếm các đề tài của cuộc sống đương đại, văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới, theo nguyên tắc nhân văn đã được đặt ra. Với mong muốn mở rộng đề tài, cục đưa ra tiêu chí hướng đến các giá trị “nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt”, nhưng mục tiêu chính là tạo nguồn kịch bản sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng giai đoạn 2021-2025, để phục vụ các ngày lễ lớn. 

Nếu chỉ có kịch bản hay, có chất lượng thôi chưa đủ mà còn phải hiện thực hóa các tác phẩm đó, biến nó thành những tác phẩm điện ảnh. Cục Điện ảnh sẽ nỗ lực quảng bá, tìm kinh phí, vận động các hãng phim, nhà sản xuất sử dụng các kịch bản có chất lượng tốt. 

Ông VI KIẾN THÀNH - Cục trưởng Cục Điện ảnh 

Cũng liên quan tới việc tìm đầu ra cho các kịch bản, lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết: Kịch bản đạt giải thưởng, quyền sản xuất thuộc về Cục Điện ảnh. Tác giả giữ quyền nhân thân tác phẩm và được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành khi kịch bản được đưa vào sản xuất. Trường hợp tác giả kịch bản muốn tự đầu tư hoặc hợp tác để sản xuất phim thì tác giả kịch bản phải trao đổi, thỏa thuận với Cục Điện ảnh, và như thể lệ cuộc thi nói rất rõ, khuyến khích những kịch bản kèm theo phương án xã hội hóa nguồn vốn sản xuất và phát hành.

Đổi mới tư duy duyệt kịch bản

Trước vấn đề này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, dường như sự ưu tiên vẫn chỉ nhắm tới các kịch bản phim tuyên truyền, như vậy các kịch bản đề tài khác tham dự cuộc chơi này, khác gì đấu với võ sĩ? Cùng chung băn khoăn về việc ban giám khảo có đủ “cởi mở” để đón nhận quan điểm mới, thay vì mãi sợ hai chữ “nhạy cảm”, theo NSND Nhuệ Giang, kịch bản có vấn đề thì mới hay. Nữ đạo diễn sở hữu nhiều giải thưởng điện ảnh thẳng thắn bày tỏ việc nên đổi mới tư duy làm phim đặt hàng, đó là phim về đề tài chiến tranh (dạng đề tài hay được Nhà nước đặt hàng) ngày nay nên bớt ca ngợi đơn thuần. “Nhìn ra thế giới sẽ thấy, thay vì ca ngợi chiến tranh, từ lâu họ đã chuyển sang làm phim với góc nhìn phản chiến. Chiến tranh đã qua mấy chục năm rồi, đã có độ lùi thời gian đủ để chúng ta nhìn vấn đề bằng con mắt của người đương thời. Có rất nhiều cách để nhìn về cuộc chiến mà vẫn thấy nhân văn, tự hào, thay vì chỉ làm phim ca ngợi chiến tranh mãi”, đạo diễn Nhuệ Giang nói.

Chia sẻ vấn đề này, ông Vi Kiến Thành giải thích, bên cạnh nội dung được chú trọng như đề tài chiến tranh, lịch sử, thiếu nhi..., ban tổ chức mong đợi nhận được tác phẩm mổ xẻ vấn đề của cuộc sống đương đại, về văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới. Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận xét, phần lớn các nhà làm phim đang hiểu phim đặt hàng là phim tuyên truyền, thay vì là tác phẩm nghệ thuật có yếu tố tuyên truyền. “Có lẽ vì thế phim đặt hàng không có khán giả”, ông Vi Kiến Thành nói.

Chỉ 2 tháng cho một cuộc thi viết kịch bản rõ ràng là hơi gấp gáp, song như nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người có tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản Quyên, khẳng định: “Cuộc chơi có thể thành, có thể bại nhưng cần phải chấp nhận để đi những bước ban đầu sơ khai nhằm tìm được vị trí của mình trong làng điện ảnh”.

Tin cùng chuyên mục