Trong hệ thống thương mại đa biên, thế giới phẳng hiện nay, Việt Nam mở cửa thị trường cho các nước thành viên WTO và sắp tới là Hiệp định TPP, song phương với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Trước sức ép hội nhập ngày càng lớn này, các doanh nghiệp trong nước cần được đối xử bình đẳng để có thể cạnh tranh, hội nhập hiệu quả.
Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ để vững vàng hội nhập. Ảnh: CAO THĂNG
Lép vế trên sân nhà
Thực tế cho thấy, Việt Nam đã và đang trở thành môi trường cạnh tranh và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với chính sách pháp luật thông thoáng, sự hỗ trợ của trung ương và sự “phá rào” của một số địa phương nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh, đôi khi với sự hào phóng quá mức trong chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong các chính sách về thuế, đất đai thì lại trở thành bài toán khó cho các nhà đầu tư trong nước. Đồng thời, một thời gian dài các cơ quan có thẩm quyền“ làm ngơ” trước các hoạt động trốn thuế, chuyển giá, sử dụng lao động, đất đai trái phép đã tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vì không thể cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải “bán mình” cho các nhà đầu tư nước ngoài sau một thời gian dài xây dựng thương hiệu và bản thân người Việt Nam trở thành người làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên đất nước của mình.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài không chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp trong nước như đã cam kết ban đầu khi đầu tư. Qua đó, mục đích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bị phá sản. Cá biệt có những doanh nghiệp nước ngoài cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng để làm được những con ốc vít nên không thể thực hiện các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nguy hiểm hơn nữa là một số doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu không sử dụng lao động phổ thông tại Việt Nam mà họ sử dụng lao động trái phép từ chính đất nước họ trước sự không cương quyết của chính quyền địa phương, dẫn đến tình trạng thất nghiệp và tội phạm tràn lan. Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 bắt đầu bị đe dọa. Sắp tới hàng loạt các đạo luật như Luật đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản được sửa đổi càng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, nếu chúng ta không có các giải pháp kịp thời thì thị trường Việt Nam sẽ trở thành sân chơi riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Loại bỏ xu hướng “sính ngoại”
Để khắc phục những hạn chế trên, Chính phủ, Bộ Tài chính sớm trình Quốc hội chính sách giảm, miễn và xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong những năm vừa qua là một chủ trương đúng cần phải thực hiện ngay và hoạt động này phải được xem xét thường xuyên. Bởi vì sao chúng ta có thể miễn, giảm thuế 5 năm, 10 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư nhưng không thể miễn thuế cho các doanh nghiệp trong nước khi kinh doanh gặp khó khăn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra và kiên quyết xử lý các hành vi sai phạm của các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện vi phạm pháp luật Việt Nam như trốn thuế, chuyển giá, sử dụng lao động trái phép, nghiêm cấm sử dụng lao động phổ thông nước ngoài trái phép tại Việt Nam. Chúng ta phải thừa nhận rằng trong một thời gian dài các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện tốt các hoạt động kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có biện pháp buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp trong nước như đã cam kết ban đầu khi đầu tư, đồng thời việc ưu đãi đầu tư phải gắn liền với việc các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác và sử dụng các ngành công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp trong nước.
Việc cấp phép và thực hiện ưu đãi đầu tư phải đúng pháp luật, tránh và loại bỏ xu hướng “sính ngoại” của một số địa phương hiện nay. Đồng thời, không vì thu hút đầu tư mà ưu đãi quá mức dẫn đến một số doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với nước ngoài. Chính phủ cần nghiêm cấm và xử lý lãnh đạo các địa phương “phá rào” trong việc ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài vượt quá chính sách chung của cả nước trừ những lĩnh vực, vùng kinh tế khó khăn được cho phép. Chính phủ cũng cần phải có chính sách và giải pháp lâu dài hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước có tiềm năng từ chính sách tín dụng, lãi suất, thuế đến đất đai. Qua đó, giúp một số doanh nghiệp trong nước trở thành các đầu tàu kinh tế có đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu khó học tập kinh nghiệm, liên kết với nhau để tạo nguồn lực về quy mô về vốn, nhân lực. các hiệp hội doanh nghiệp sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt nam cương quyết không tiếp tay cho các hành vi sai trái của các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Chính xu hướng hội nhập ngày càng mạnh mẽ không chỉ trong phạm vi khu vực mà còn mang tính toàn cầu, đã tạo ra sức ép buộc Việt Nam phải mở cửa để hội nhập nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa nếu không muốn vấp phải nguy cơ tụt hậu, thua thiệt so với nước khác. Tuy nhiên, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì vừa thu hút đầu tư nhưng hoàn toàn giúp các doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường trong nước.
NGUYỄN VIỆT KHOA
(Trường Đại học Kinh tế TPHCM)