Chuẩn bị thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), ngành du lịch - một ngành kinh tế trọng điểm, sẽ đối mặt những thách thức gì, công tác chuẩn bị ra sao? PV Báo SGGP đã trao đổi với bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, quanh vấn đề này.
* PHÓNG VIÊN: Thời gian tới, rất nhiều FTA mà Việt Nam tham gia ký kết sẽ có hiệu lực, ngành du lịch sẽ chịu tác động như thế nào, thưa bà?
* Bà VĂN THỊ BẠCH TUYẾT: Như chúng ta đã biết, trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng hơn thông qua các FTA với Liên minh châu Âu, FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức khởi động từ ngày 31-12-2015 tới. Du lịch là một ngành kinh tế và du lịch TPHCM với tỷ trọng 11% GDP của TP nên vì vậy cũng là một ngành phải đối diện thách thức ngày càng to lớn hơn trong quá trình hội nhập. Trước hết là với những quy định mở cửa, dòng vốn và nguồn nhân lực đến từ các thị trường phát triển sẽ chi phối và tạo ra cạnh tranh khốc liệt hơn với thị trường và doanh nghiệp du lịch trong nước…
Du khách nghe một doanh nghiệp du lịch trong nước giới thiệu về Huế tại Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM 2015 (Ảnh: CAO THĂNG)
Xúc tiến, quảng bá phải đi đầu
* Được biết, chuẩn bị cho FTA Việt Nam - Hàn Quốc, đến nay các doanh nghiệp du lịch Hàn Quốc đã tràn vào Việt Nam, họ tổ chức tour trọn gói từ xây dựng nhà hàng, khách sạn trong nước, tổ chức đưa khách sang Hàn Quốc… liệu doanh nghiệp Việt Nam có bị “chết” trên sân nhà không, thưa bà?
Như báo chí và dư luận trong ngành có đặt ra về hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài chi phối tất cả hoạt động từ đầu tư, nhân sự điều hành, tổ chức tour tuyến du lịch cả nội địa và ra nước ngoài… Điều đó cho thấy ngành du lịch nước nhà sẽ đối diện cạnh tranh ngay chính trên sân nhà. Bởi vì khi mở cửa, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tràn vào, đối thủ cạnh tranh của chúng ta mạnh hơn về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám, kỹ năng, kinh nghiệm và hiệu suất lao động hiệu quả hơn, nên chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng thách thức này cũng song song với cơ hội mà mỗi doanh nghiệp, đơn vị trong nước có dịp cọ xát, để thấy rằng phải không ngừng nâng cao tính hiệu quả để tồn tại và phát triển. Xu hướng mở cửa và hội nhập là tất yếu để từng doanh nghiệp và đơn vị trong ngành nỗ lực hơn nữa, kể cả từng con người làm du lịch cũng phải học hỏi, rèn luyện để nâng mình lên nhằm phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
* Trước những thách thức như thế, là người đứng đầu ngành du lịch, hẳn bà sẽ có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển ngành du lịch TP?
Riêng về trách nhiệm ngành du lịch TP, ngay từ đầu năm chúng tôi đã xác định trong chương trình hành động phải nỗ lực giữ được vị trí là ngọn cờ đầu của ngành du lịch cả nước. Trước yêu cầu tăng cường hội nhập, Sở Du lịch TP đã chủ động đề ra nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch thành phố, tạo sự chủ động trong hội nhập quốc tế. Chẳng hạn như, để xây dựng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, Sở Du lịch đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP xây dựng đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng được yêu cầu, tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới…
* Còn việc hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là gì, thưa bà?
Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch định kỳ nhằm quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch TPHCM hấp dẫn, thân thiện, an toàn đến bạn bè quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội cho doanh nghiệp du lịch có cơ hội hợp tác, cọ xát và tìm hiểu mô hình du lịch phát triển tại các thị trường trọng điểm trên thế giới. Tôi cho rằng đây là giải pháp rất cơ bản vì chính trong quá trình tiếp cận thực tế, doanh nghiệp du lịch trong nước sẽ trưởng thành, tự tin hơn và làm chủ cuộc chơi trên sân nhà, nhìn thấy khía cạnh tích cực từ quá trình hội nhập mang lại, đồng thời hạn chế tối đa những tiêu cực của quá trình hội nhập có thể tác động đến doanh nghiệp.
Xây dựng sản phẩm, liên kết vùng miền…
* Muốn xúc tiến du lịch, hẳn chúng ta phải có cách làm gì mới, sản phẩm mới để thu hút du khách?
* Thành phố đang tiếp tục đầu tư nguồn lực và kêu gọi các thành phần xã hội tham gia đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch mới, vừa mang nét đặc trưng riêng có của TPHCM, vừa mang tính hiện đại, hấp dẫn du khách. Sản phẩm này có thể là những sự kiện văn hóa - du lịch tiêu biểu hàng năm, hoặc là những công trình kiến trúc đặc sắc, khu vui chơi giải trí, nhà hàng phục vụ những món ngon, khu mua sắm hiện đại…, tất cả sẽ góp nên diện mạo mới, làm cho điểm đến TPHCM luôn luôn mới và hấp dẫn trong lòng du khách. Ngoài ra, mới đây chúng tôi đã khai trương tuyến du lịch đường thủy nội đô trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một thời từng là dòng kênh chết, nay đã được cải tạo và đầu tư một sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ du khách.
Để giữ vững nét đặc trưng của TPHCM - một TP du lịch thân thiện, chúng tôi vừa phát động phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, niềm nở chào đón du khách”. Chúng tôi xác định, đây là một phong trào lâu dài, có trọng điểm, không dàn trải mà trước hết tập trung vào địa bàn, khu vực có các điểm đến du lịch có đông du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thanh kiểm tra để giữ cho môi trường phát triển du lịch lành mạnh, không để tình trạng cạnh tranh, chụp giựt…
* Sản phẩm riêng đã có, vậy TPHCM sẽ làm gì để thể hiện vai trò “đầu tàu” trong ngành du lịch, nhất là việc hỗ trợ các địa phương, liên kết để phát triển?
Ngành du lịch rất cần có sự quan tâm, phối hợp của nhiều ngành và địa phương. Trong không gian phát triển du lịch thành phố, chúng tôi xác định TPHCM phải giữ cho được vai trò cửa ngõ du lịch mang tính kết nối với các trung tâm du lịch trong khu vực. Cụ thể, trong nước là ưu tiên kết nối phát triển với du lịch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ; với nước ngoài thì chúng tôi đã triển khai kết nối với các thành phố du lịch trọng điểm thuộc khu vực các quốc gia hạ nguồn Mê Công (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam). Một trong những hoạt động trọng tâm mà chúng tôi triển khai thành thông lệ hàng năm, đến nay đã là năm thứ 11, là sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM (diễn ra từ ngày 10 đến 12-9-2015) quy tụ hầu hết sự tham gia của các cơ quan xúc tiến du lịch và doanh nghiệp du lịch của 5 quốc gia với chung mục tiêu phát triển du lịch “5 quốc gia - 1 điểm đến”. Năm nay, sự kiện này thu hút hơn 200 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (người mua), 350 doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ giới thiệu và chào bán tại hội chợ (người bán) và hơn 20 cơ quan thông tấn quốc tế tham gia. Chúng tôi dự kiến sẽ có khoảng 20.000 lượt khách đến tham quan và mua bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại hội chợ.
* Xin chân thành cảm ơn bà!
HÀN NI (thực hiện)