Tạo sức bật để ĐBSCL

Với lợi thế là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước, được ví von như “bát cơm châu Á”, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển. Làm thế nào để ĐBSCL ổn định và phát triển bền vững là vấn đề đang đặt ra ở vùng đất Chín Rồng.
Tạo sức bật để ĐBSCL

Với lợi thế là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước, được ví von như “bát cơm châu Á”, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển. Làm thế nào để ĐBSCL ổn định và phát triển bền vững là vấn đề đang đặt ra ở vùng đất Chín Rồng.

Ông TRẦN QUỐC TRUNG, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ:

Xây dựng Cần Thơ trở thành đầu tàu của vùng

Cần Thơ là TP giàu tiềm năng, giữ vai trò rất quan trọng trên nhiều mặt của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, các cơ sở hạ tầng giao thông đã phát huy tác dụng vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Hạ tầng khoa học kỹ thuật, y tế và giáo dục đang dần chuyển mình, trở thành trung tâm chuyên sâu của cả khu vực. Trong giai đoạn này, Cần Thơ xác định ba khâu đột phá là: Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực; Huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiệu quả, phục vụ tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong công tác quản lý điều hành kinh tế - xã hội và các lĩnh vực đời sống nhân dân.

Là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, với đội ngũ nhà khoa học hùng hậu tại Trường đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Cần Thơ đã từng bước hiện thực hóa con đường sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, chất lượng cao; cơ bản hoàn thành cơ giới hóa các khâu trong sản xuất; lập quy hoạch ba khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 350ha và triển khai xây dựng trung tâm giống thủy sản cấp 1, diện tích 20ha. Tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; hình thành và phát huy mô hình cánh đồng lớn khá hiệu quả.

Trong phát triển, liên kết vùng rất quan trọng, Cần Thơ tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước; mở rộng các liên kết “song phương” hiện hữu sang liên kết “đa phương”, thông qua các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia và cấp vùng, từng bước xác lập vị thế đầu mối của thành phố động lực vùng ĐBSCL.

Ông TRẦN CÔNG CHÁNH, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang:

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường

Trong bối cảnh cánh cửa hội nhập mở toang với nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên thì nhiều thách thức rất lớn lẫn cơ hội đang đặt ra. Điều tôi trăn trở nhất là vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây của cả nước đã sẵn sàng cho tiến trình hội nhập này chưa? Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cần nhận diện rõ sản xuất nông nghiệp trong vùng vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Đó là thực trạng sản xuất manh mún, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn rời rạc. Điều này cũng là nguyên nhân gây cản trở khi kiểm soát chất lượng hàng nông sản, không dễ tạo ra khối lượng hàng hóa lớn và ổn định cung cấp khi thị trường có nhu cầu. 

Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay, hàng nông sản khó tìm đầu ra hay chúng ta chưa định hình rõ nét nền sản xuất nông nghiệp đáp ứng đúng theo nhu cầu thị trường? Bối cảnh hội nhập đòi hỏi sản xuất nông nghiệp ĐBSCL buộc phải thay đổi theo hướng sản xuất chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng các thị trường trong và ngoài nước. Tôi được biết, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang gấp rút lấy ý kiến các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp thành viên VFA để xây dựng thương hiệu cho lúa gạo quốc gia, nhãn hiệu lúa gạo gắn với một số doanh nghiệp… Việc này lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu. Chúng ta đã chậm chân so với Thái Lan, Ấn Độ, nay phải làm quyết liệt, không chỉ mặt hàng gạo, mà kể cả trái cây, cá tra, tôm. 

Tại Hậu Giang, từ năm 2014, chúng tôi đã triển khai Đề án 1.000, lấy đơn vị 1.000ha đất hoặc 1.000 hộ dân để triển khai. Theo đó, Đề án 1.000 có bốn hợp phần, giai đoạn 2014 - 2016 chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 sang 2 lúa - 1 màu và 2 lúa - 1 thủy sản; 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác; 1.000ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế và 1.000 hộ chăn nuôi trên đệm lót sinh học kết hợp gà thả vườn, chuồng trại khép kín an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường… Kết quả bước đầu rất khả quan. Mục tiêu là giúp nông dân khi chuyển đổi sẽ tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 - 2 lần trên cùng diện tích canh tác.

Ông NGUYỄN VĂN THỂ, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng:

Chọn công nghệ làm khâu đột phá

Là vựa nông - thủy sản của cả nước, nhưng phần lớn hàng nông sản ở ĐBSCL xuất khẩu dạng thô, các mặt hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng chưa nhiều - đây là khiếm khuyết lâu nay. Với sản lượng trên 25 triệu tấn/năm, có thể nói nguồn cung lúa, gạo của ĐBSCL khá dư thừa, nhưng giá gạo xuất khẩu còn thấp. Trong khi đó, Hàn Quốc không có nhiều lúa gạo, nhưng từ gạo, họ chế biến ra một số mặt hàng thuộc dạng nước đóng chai bán tại thị trường Hà Nội, giá lên vài chục ngàn đồng/chai. Thái Lan cũng tương tự, họ chế biến ra nhiều thực phẩm từ gạo rất tốt. Và Thái Lan áp dụng công nghệ sinh học để tạo ra các loại trái cây không hạt, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới. Tôi có dịp đến Nhật Bản, họ không phải “vựa chanh” nhưng vẫn có công nghệ để đóng hộp, đóng lon sản phẩm chanh. Từ nước chanh bình thường đến nước chanh đóng hộp, giá trị đã tăng lên 10 lần. Vấn đề đặt ra là nếu chúng ta không nhanh chóng hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ cho nông nghiệp, hàng hóa các nước tràn ngập thị trường với chất lượng cao hơn, giá rẻ hơn thì hàng nông sản ĐBSCL sẽ rất gay go.

Để nông nghiệp ĐBSCL đột phá phát triển trong xu thế hội nhập, tôi cho rằng chúng ta cần chọn công nghệ sinh học và công nghệ chế biến làm “đòn bẩy” để nông nghiệp phát triển. Đây là hai yếu tố quan trọng để hàng nông - thủy sản ở ĐBSCL không còn rơi cảnh xuất khẩu thô hay ứ đọng hàng (trái cây) rồi chua xót quăng bỏ! Và cách tiếp cận để huy động được nguồn lực đầu tư cho công nghệ sinh học và công nghệ chế biến trong nông nghiệp đó là phải thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ, chúng ta tập trung kêu gọi các nhà đầu tư - đặc biệt là doanh nghiệp có dây chuyền, kinh nghiệm và thành công trong hai lĩnh vực tôi vừa nói. Mà muốn mời được họ đầu tư vào ĐBSCL, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt gắn đặc thù sản xuất nông nghiệp của vùng. Những cơ chế, chính sách này, Chính phủ phải nghiên cứu quyết định cho cả vùng ĐBSCL. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thành công cũng đồng nghĩa với lợi ích của nông dân được cải thiện.


Ông LÊ MINH HOAN, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:

Vượt qua “lời nguyền… khuất nẻo”

Trong thời gian dài, Đồng Tháp luôn trăn trở với “lời nguyền” là một địa phương “khuất nẻo”, là “vũng trũng”, khiến điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Song, điều đó không làm Đồng Tháp mặc cảm, tự ti, mà ngược lại khiến Đảng bộ, chính quyền mạnh mẽ hơn, hun đúc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên từng ngành, từng cấp quyết tâm vượt khó, vượt lên chính mình. 

Để làm được điều đó, Đồng Tháp hoạch định cho riêng mình những hướng đi mới, những quyết sách mới. Theo đó, Đồng Tháp là một trong những địa phương tiên phong trình Chính phủ “đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Có thể nói, sau kỳ tích chinh phục Đồng Tháp Mười từ 30 năm trước, thì những năm gần đây tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đã chậm lại, quy mô sản xuất đạt ngưỡng, quá nhiều bất cập nảy sinh giữa năng lực sản xuất và quy luật thị trường. Đồng Tháp không còn sự lựa chọn nào khác là phải tổ chức lại sản xuất, xem đây là cứu cánh duy nhất để hướng đến mục tiêu chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống với quá nhiều hạn chế, rủi ro… sang nền nông nghiệp được tổ chức lại theo chuỗi ngành hàng, gắn với vai trò dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp. Đề án “tái cơ cấu nông nghiệp” được khởi thảo theo cách riêng của Đồng Tháp, xuất phát từ thực tiễn của ruộng đồng, từ những người nông dân cần mẫn và sáng tạo, từ cộng đồng doanh nghiệp năng động theo nhịp đập của thị trường. Đồng Tháp không “mặc đồng phục” trong triển khai đề án, mà cần mẫn, chăm chút, cổ vũ những ý tưởng mới, cách làm mới trên từng cánh đồng, bờ ao, vườn cây… Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đang đi vào cuộc sống, mang đậm hơi thở của cuộc sống.

Sau thời gian thực hiện đã có những tín hiệu lạc quan bước đầu như xây dựng được “cánh đồng lớn” rộng 86.630ha, nông dân tham gia giảm được giá thành từ 650-700 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn 4-5 triệu đồng/ha/vụ so sản xuất bên ngoài. Các ngành hàng cá tra, hoa kiểng, xoài… đang chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất tập trung, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Nga, Thái Lan… đến tìm hiểu hợp tác, đầu tư vào nông nghiệp. Từ sự thay đổi tích cực nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp những năm qua luôn đứng trong tốp đầu của cả nước, điều đó minh chứng cho sự thân thiện và Đồng Tháp đã vượt qua lời nguyền “khuất nẻo”.

Ông PHẠM VĂN RÓN, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long:

Ổn định nông nghiệp, tăng tốc công nghiệp

Thời gian qua, kinh tế Vĩnh Long đã có những bước tiến vượt bậc và trở thành điểm đến đầu tư được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Công nghệ thông tin, viễn thông rất tốt; y tế giáo dục phát triển… phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Lực lượng lao động từ những người không nghề, không tác phong công nghiệp đã trở thành những công nhân chuyên nghiệp, tay nghề giỏi.

Đặc biệt, theo các nhà đầu tư, môi trường đầu tư ở Vĩnh Long ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là sự mạnh dạn đổi mới thủ tục hành chính, tập trung vào tính minh bạch của chính quyền, củng cố niềm tin của doanh nghiệp đối với các thiết chế pháp lý, nâng cao hiệu quả các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp. Thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các năm qua, Vĩnh Long luôn đứng ở vị trí cao trong khu vực ĐBSCL.

Ngành nông nghiệp dần chuyển hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân làm giàu. Những mặt hàng nông sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng nhiều.  Những “cánh đồng mẫu lớn” mở ra hướng sản xuất liên kết bền vững. Đặc biệt, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020 đã được Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Long đã vượt qua ngưỡng cân bằng giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, đánh dấu thời điểm phát triển tiền công nghiệp hóa, thuộc nhóm có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh ở ĐBSCL.

Giai đoạn 2015- 2020, tỉnh sẽ chọn 3 khâu đột phá để thực hiện, đó là tiếp tục phát triển và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến. Vĩnh Long sẽ tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, phải đưa công nghiệp hóa vào nông nghiệp, nông thôn; có như vậy, nông nghiệp mới phát triển. Kế đến, tỉnh cũng sẽ đầu tư toàn diện cho công nghiệp, nhằm tạo những bước đột phá trong phát triển kinh tế tỉnh nhà, sớm đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh có mức phát triển khá trong khu vực.

Ông PHẠM VĂN RẠNH, Bí thư Tỉnh ủy Long An:

Phát huy vị trí địa lý thuận lợi để phát triển

Để kinh tế tiếp tục phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Long An đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển các khu, cụm công nghiệp và đầu tư công.

Đến nay, về nông nghiệp, Long An cơ bản hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo lợi thế từng vùng sinh thái. Theo đó, có 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: Vùng 1 ở khu vực Đồng Tháp Mười - phát triển lúa cao sản xuất khẩu, có diện tích tự nhiên khoảng 198.000ha; vùng 2 ở các huyện Đức Huệ, Thủ Thừa - vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và đa dạng hóa cây trồng, có diện tích tự nhiên khoảng 103.000ha; vùng 3 phát triển nông nghiệp ven đô, gồm thành phố Tân An và các huyện Tân Trụ, Châu Thành, có diện tích tự nhiên khoảng 40.000ha, chủ yếu trồng thanh long, lúa, nếp đặc sản, rau an toàn; vùng 4 giáp ranh TPHCM - vùng chịu ảnh hưởng của công nghiệp hóa và đô thị hóa, có diện tích khoảng 106.000ha, gồm các huyện Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, chủ yếu nuôi thủy sản nước lợ, trồng rau an toàn, đậu phộng, lúa đặc sản...

Để Long An phát triển nhanh và bền vững, tỉnh đã quy hoạch 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp. Đến nay, đã có 16/28 khu công nghiệp hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 54%; trong đó, có 396 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 2.550 triệu USD và 629 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 40.718 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 88.562 lao động. Song song đó, 14/32 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 85,4%; có 182 doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất, thu hút khoảng 15.300 lao động.

Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ từ TPHCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại; có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp với TPHCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Long An có những điều kiện tốt để vừa phát triển cả công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện; tạo điều kiện để có sự phát triển bứt phá, trở thành một trong những tỉnh giàu, mạnh của vùng trong thời gian tới.

MINH TRƯỜNG - HUỲNH LỢI - CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục