Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị 01-CT/TW về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là sản phẩm kết tinh trí tuệ, là ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân trên cơ sở tổng kết lý luận sâu sắc, trong đó có 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng và những kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong 5 năm qua. Do vậy, việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng lần này sẽ là cầu nối giữa quan điểm, chủ trương, đường lối mà Đại hội XII của Đảng đề ra với nhận thức, lý tưởng, niềm tin và hành động cách mạng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó tạo ra sức bật mạnh mẽ trong xã hội.
Nhiệm vụ trước mắt của các cấp ủy là xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai học tập, quán triệt nghị quyết đến từng tổ chức cơ sở đảng và phù hợp với từng đối tượng là cán bộ, đảng viên và nhân dân. Yêu cầu đặt ra là người phổ biến nghị quyết phải báo cáo ngắn gọn, súc tích, nêu rõ những nội dung mới, có trọng tâm, trọng điểm để mọi người dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu và quan trọng nhất là dễ vận dụng vào thực tiễn. Việc quán triệt, học tập nghị quyết đại hội cần tập trung nhiều hơn đối với những cán bộ đang nắm giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền, nhất là người đứng đầu, chú ý cả những người được coi là có quá trình cống hiến, am hiểu tình hình đất nước, từng giữ nhiều vị trí quan trọng mà nay đã nghỉ hưu.
Kinh nghiệm cho thấy, sau đợt học tập nghị quyết, mỗi cấp ủy cần nhanh chóng xây dựng chương trình hành động, trong đó có kế hoạch từng năm, từng quý, từng tháng, bảo đảm vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa nghị quyết của đảng bộ cấp trên và nghị quyết của đảng bộ mình với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, khối lượng công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành. Mỗi chương trình, kế hoạch hành động mà cấp ủy và tổ chức đảng đưa ra phải được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ có tính nguyên tắc để kiểm tra, đánh giá đúng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức đảng, là hành động chính trị thực tiễn của mỗi cán bộ, đảng viên trong suốt nhiệm kỳ.
Việc bố trí người, phân công rõ trách nhiệm và phối hợp hành động giữa cán bộ và các tổ chức trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết mang tính quyết định đến việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Khi cấp ủy, chính quyền chọn đúng người, giao đúng việc thì cần tạo điều kiện, tôn trọng quyền hạn và khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của cán bộ và đơn vị. Sau đại hội, nhiều đồng chí được đề bạt, luân chuyển và phân công giữ các chức vụ chủ chốt ở nhiều địa phương, đơn vị. Hầu hết các đồng chí vừa nhận nhiệm vụ mới, thể hiện rõ nhất là người đứng đầu, đã hoạt động năng nổ, đầy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Thực tế cho thấy, người đứng đầu có vai trò như đầu tàu - đầu tàu có khỏe, đoàn tàu chạy mới nhanh và an toàn. Tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cấp ủy có tác dụng thúc đẩy, tạo động lực phát triển ở địa phương, đơn vị. Chính vì vậy, vai trò người đứng đầu được xác định là một trong 3 vấn đề cấp bách của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.
Trước đây, nhiều mô hình sáng tạo mang tính đột phá của nhiều địa phương, đơn vị ở TPHCM đã lan tỏa ra cả nước, trong đó nổi lên vai trò của người đứng đầu. Họ là người cầm lái đứng mũi chịu sào có năng lực chuyên môn giỏi, có phẩm chất tốt, có trình độ quản lý, điều hành và đưa ra được những quyết định làm chuyển biến nhanh chóng tình hình. Họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Họ không chỉ gương mẫu về mọi mặt, chuẩn mực trong cách sống, lối sống, tác phong công tác, mà có khả năng tổng hợp, khái quát có năng lực nghe, nhìn phân tích mọi hiện tượng, sự việc từ thực tiễn, từ dân. Tinh thần trách nhiệm, ý thức đó trước nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cấp ủy đã thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra động lực cho người khác làm theo. Điểm nổi bật thành công của các đồng chí lãnh đạo ở TPHCM qua nhiều thời kỳ là dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trên cơ sở mở rộng dân chủ, biết lắng nghe ý kiến quần chúng. Với việc thường xuyên đi cơ sở, trực tiếp quan sát và lắng nghe tiếng nói người dân và gần đây công khai đường dây nóng của lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở TPHCM mong muốn người dân nói thẳng, nói thật, nói hết để giúp cho cấp ủy và người đứng đầu có thêm kênh thông tin, từ đó có quyết sách đúng đắn, kịp thời. Sự năng động, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ TPHCM trong việc triển khai thực hiện nghị quyết Đảng chính là thể hiện bản lĩnh nghe và tiếp nhận những ý kiến đóng góp phê bình của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều quan trọng là cần phải có phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn và nói đi đôi với làm của người đứng đầu mỗi địa phương, đơn vị sẽ kéo theo sự chuyển động mới trong hoạt động của cả bộ máy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG