Tạo thành công kính viễn vọng ảo lớn nhất thế giới

Các nhà khoa học tại Đài quan sát thiên văn Paranal, miền Bắc Chilê, cho biết đã kết hợp được các tín hiệu của toàn bộ 4 kính viễn vọng quang học lớn tại trạm này để tạo ra kính viễn vọng quang học ảo lớn nhất thế giới.

Các nhà khoa học tại Đài quan sát thiên văn Paranal, miền Bắc Chilê, cho biết đã kết hợp được các tín hiệu của toàn bộ 4 kính viễn vọng quang học lớn tại trạm này để tạo ra kính viễn vọng quang học ảo lớn nhất thế giới.

Theo ông Jean-Philippe Berger, nhà thiên văn học người Pháp tham gia “kết nối” các kính viễn vọng trên bằng kỹ thuật đo giao thoa, sau gần 1 năm tiến hành công việc, các nhà khoa học lần đầu tiên đã quan sát thử thành công với kính viễn vọng quang học ảo này và khẳng định có thể sử dụng nó cho quan sát thiên văn trong tương lai. Việc kết nối thành công tín hiệu nhận được từ 4 kính viễn vọng trên cho phép các nhà khoa học có được một gương ảo có đường kính 130m, độ phân giải cao, nhờ vậy có thể quan sát rõ hơn, đặc biệt có thể quan sát các ngôi sao quá trẻ và một số thiên hà xa xôi cho đến nay nằm ngoài tầm quan sát.

Đài quan sát Paranal - được đánh giá là hiện đại nhất thế giới - nằm tại sa mạc Atacama và ở độ cao 2.635m so với mặt biển. Đài gồm 2 nhóm kính viễn vọng quang học: nhóm thứ nhất được biết với cái tên Kính viễn vọng rất lớn (VLT), gồm 4 kính viễn vọng, mỗi gương cao 30m, có đường kính 8m, và nhóm thứ hai gồm 4 kính viễn vọng nhỏ, mỗi gương chỉ có đường kính 1,8m. Trước đó, vào tháng 10-2010, các kính viễn vọng nhỏ này đã được kết nối bằng kỹ thuật đo giao thoa. Theo ông Berger, xây dựng các kính viễn vọng quang học cực lớn là công việc rất khó khăn, vì vậy các nhà khoa học phải sử dụng kỹ thuật đo giao thoa để cải thiện khả năng quan sát thiên văn.

Đài quan sát Paranal được vận hành bởi Đài quan sát châu Âu ở phía Nam (ESO), một tổ chức nghiên cứu thiên văn học được thành lập năm 1962, hiện có sự tham gia của 15 quốc gia, trong đó có Đức, Pháp, Anh, Hà Lan và Italia. Với điều kiện địa lý và khí hậu lý tưởng để quan sát thiên văn, sa mạc Atacama (nơi bầu trời luôn trong vắt suốt hơn 300 đêm mỗi năm) sẽ là nơi đặt Kính viễn vọng cực lớn của châu Âu (E-ELT) và cũng là kính viễn vọng lớn nhất thế giới. Kính viễn vọng này có một gương chính có đường kính 42m. Công trình sẽ được hoàn thành năm 2018 sau 7 năm xây dựng với chi phí ước tính 1 tỷ euro.

Trước đó, dự kiến vào năm 2013, kính viễn vọng ALMA, cũng được xây dựng tại sa mạc Atacama, lớn nhất thế giới vào thời điểm đó và là dự án hợp tác giữa châu Âu, Mỹ và Đông Á, sẽ được hoàn tất.

TTX

Tin cùng chuyên mục