Sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại TP Hồ Chí Minh, với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP, có thể nói, những cố gắng của việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã được chọn làm thí điểm (gồm: Tân Thông Hội và Thái Mỹ, huyện Củ Chi; Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; Tân Nhật, huyện Bình Chánh; Nhơn Đức, huyện Nhà Bè; Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan.
Tuy chưa có xã nào đạt được chuẩn của các tiêu chí, có xã đạt ít, nơi đạt nhiều, nhưng về cơ bản, những chuyển biến trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được dấu ấn, khẳng định hướng đi của chương trình là hoàn toàn đúng đắn, và tạo nên sự phấn khởi tự tin trong cuộc sống khi thu nhập của người dân được nâng cao, đời sống được cải thiện…
Theo Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là từng bước làm tốt công tác quy hoạch các xã, tạo nét hiện đại, phù hợp với hệ sinh thái của vùng ven đô. Đến nay hầu hết các xã đã xây dựng được mạng lưới giao thông nông thôn với hệ thống đường cấp phối, xây mới, cải tạo nhiều trường lớp các cấp, vận động người dân tham gia xây dựng xã văn hóa với hàng ngàn đầu sách “dân lập”, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng NTM.
Vấn đề tổ chức lại sản xuất, xây dựng làng nghề tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng thu nhập, nhất là các loại hàng hóa mang hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao đã có bước tiến đáng kể. Nhiều xã đã thu hút hàng chục doanh nghiệp đến làm ăn, có làng hoa kiểng (lan cắt cành, cá kiểng, rắn nuôi, rau thủy sinh…) mang lại thu nhập ổn định cho nhà đầu tư.
Năm 2011, nhờ quy hoạch cụ thể, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lao động, dạy nghề… nên thu nhập bình quân đạt 28,6 triệu đồng/năm/người, gấp 1,5 lần so với trước khi triển khai đề án (18,6 triệu đồng/năm/người). Cơ cấu nông nghiệp còn 20,7%, dịch vụ: 26,7%, công nghiệp: 52,6%, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên 182,5 triệu đồng/ha/năm. Lao động nông nghiệp chỉ còn 14,8% (trước là 33,6%). Thu hút được 159 DN đến đầu tư như may gia công; làm giày; sản xuất khăn giấy; chế biến trà, cà phê, rau quả sấy khô; chế biến gỗ... Đó là những thành tựu đáng ghi nhận…
Việc triển khai 5 nhóm giải pháp cấp bách để xây dựng NTM đòi hỏi không chỉ dựa vào nguồn vốn của thành phố, mà cần có chủ trương vận động người dân cùng tham gia đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM. Để tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng, phát triển NTM, phải tập trung quy hoạch nông thôn và ban hành quy chế quản lý xây dựng NTM nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng xây cất tùy tiện, tự phát đang hủy hoại cảnh quan và môi trường nông thôn. Cần tập trung bố trí lại cơ cấu kinh tế theo từng xã hướng đến kinh tế hàng hóa. Cộng đồng dân cư xã chọn ra cây, con, ngành nghề sản xuất phù hợp, có nhiều lợi thế nhất, phù hợp với quy hoạch vùng để tập trung đầu tư sản xuất, tạo ra mỗi làng một hàng hóa chủ lực để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bền vững cho người dân…
Đó là những bước đi cơ bản để chương trình NTM mang lại kết quả tốt, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân và tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn vùng ven đô.
Thăng Long