Năm 2011, là năm đầu tiên đất nước triển khai thực hiện toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trong bối cảnh diễn biến phức tạp và đầy khó khăn của nền kinh tế thế giới. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả bước đầu... Nhân dịp xuân mới Nhâm Thìn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng về thành tựu năm 2011 và triển vọng phát triển đất nước năm 2012.
* Phóng viên: Kính thưa Chủ tịch nước, Báo SGGP cảm ơn Chủ tịch đã trả lời phỏng vấn của báo nhân dịp đầu xuân mới. Để mở đầu, xin Chủ tịch cho biết đánh giá của mình về tình hình kinh tế - xã hội đất nước sau một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI?
* Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG: Năm 2011 là một năm đầy biến động và hết sức phức tạp của thế giới cả về chính trị và kinh tế. Điều đó cùng với những hạn chế, yếu kém trong nước đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho nước ta... Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Đến nay, đã thu được những kết quả bước đầu: chính trị tiếp tục ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự - an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được tăng cường; các vấn đề phức tạp về chủ quyền trên đất liền, trên biển và hải đảo được tăng cường giải quyết bằng các giải pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, được dư luận quốc tế ủng hộ. Trên lĩnh vực kinh tế, lạm phát bước đầu đã được kiềm chế mặc dù còn ở mức cao; ổn định kinh tế vĩ mô có chuyển biến tích cực; tăng trưởng GDP đạt xấp xỉ 6%...
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, lạm phát cao đã làm cho một bộ phận nhân dân, nhất là người nghèo gặp rất nhiều khó khăn. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện rất quyết liệt để giảm bớt khó khăn cho nhân dân. Khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng những kết quả đạt được trong điều kiện hết sức khó khăn vừa qua là rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để đất nước tiếp tục phát triển tốt hơn trong những năm tiếp theo.
* Thưa Chủ tịch, là người đứng đầu Nhà nước, đồng chí có thể cho biết những kết quả chính của công tác đối ngoại trong năm qua?
* Đại hội XI của Đảng đã tiếp tục khẳng định đường lối tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển... Thực hiện đường lối đó, trong năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai ở mức cao các hoạt động đối ngoại, từ các hoạt động song phương đến các diễn đàn đa phương của quốc tế, của khu vực; từ cấp cao đến các bộ ngành, địa phương; cả các hoạt động ngoại giao nhân dân.
Có thể nói, năm 2011 là một năm thắng lợi nổi bật trên lĩnh vực đối ngoại, vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được quốc tế công nhận, đề cao. Trong lúc tình hình an ninh chính trị ở nhiều khu vực có biến động và kinh tế thế giới khó khăn do khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng lòng tin của các nước, của các công ty, tập đoàn kinh tế trong khu vực và trên thế giới đối với Việt Nam không những không suy giảm, mà còn tiếp tục duy trì và phát triển, vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến tin cậy; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ODA dành cho Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, các nhà đầu tư đưa vốn của họ vào Việt Nam không đơn giản chỉ vì họ yên tâm về những gì nhìn thấy ở Việt Nam hôm nay, mà chủ yếu vì họ thấy một Việt Nam ổn định và phát triển lâu dài trong tương lai. Không chỉ kết quả ngoại giao kinh tế, mà đối ngoại chính trị trong năm qua cũng đã tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa nước ta với các nước, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước... Thêm một lần nữa, chúng ta nhận thấy rõ ràng hiệu quả và tính đúng đắn trong chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
* Thưa Chủ tịch nước, tình hình của khu vực và trên thế giới ngày càng có nhiều biến động phức tạp, xuất hiện nhiều điểm nóng. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải làm gì để vừa đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia trong khu vực cũng như cộng đồng thế giới, đồng thời vẫn đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia và sự toàn vẹn về lãnh thổ?
* Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có trách nhiệm lớn là phải giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình để tiếp tục sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Trong những năm qua, sự tham gia của Việt Nam ở các tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời cũng góp phần vào việc giữ vững hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.
* Việt Nam đang bắt đầu tiếp cận một giai đoạn phát triển mới với một nội hàm và không gian rộng mở hơn trước. Theo Chủ tịch, ở trong nước, chúng ta cần phải làm gì để mở đầu cho giai đoạn phát triển mới này?
* Chính sách đối ngoại đúng đắn ngày càng tạo thêm môi trường quốc tế thuận lợi cho việc phát triển đất nước, nhưng yếu tố bên trong, nội lực vẫn là yếu tố quyết định sự thành công. Vì vậy, bên cạnh việc phải tạo môi trường thông thoáng, hết sức thuận lợi để thu hút thật tốt tất cả các nguồn lực từ bên ngoài, Đảng, Nhà nước ta đang triển khai chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang dần phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững, có sức cạnh tranh cao.
* Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được đặt ra như thế nào trong năm 2012, thưa Chủ tịch nước?
* Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) đã quyết định trong 5 năm tới việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Hiện nay, các đề án tái cơ cấu các lĩnh vực đang được tích cực xây dựng để trình các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, nhưng chủ trương tái cơ cấu không phải là vấn đề đơn giản, phải làm hết sức cẩn trọng. Đây chính là vấn đề sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực để phát triển đất nước theo hướng hiệu quả, bền vững. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cho phép chúng ta chậm chạp, trì trệ khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế. Nguồn lực của đất nước cần phải sớm chuyển từ những lĩnh vực kém hiệu quả sang lĩnh vực có hiệu quả, từ những lĩnh vực có năng lực cạnh tranh yếu kém sang lĩnh vực thực sự phát huy được sức mạnh cạnh tranh cao.
* Từng giữ cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM, nhân dịp xuân mới Nhâm Thìn, Chủ tịch nước có lời nhắn gửi tới Đảng bộ và nhân dân thành phố?
* TPHCM là một trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước. Đảng bộ và nhân dân TPHCM có truyền thống cách mạng hết sức kiên cường và năng động, sáng tạo trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Sự phát triển của TPHCM về mọi mặt đều liên quan trực tiếp, có sự tác động hết sức to lớn đến sự phát triển chung của đất nước. Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi lời chúc tới Đảng bộ và nhân dân TPHCM một mùa xuân tràn đầy sức sống, phát huy tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, đi đầu trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra, đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế thành phố nhanh, hiệu quả, bền vững; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh, xây dựng thành phố XHCN văn minh, hiện đại, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
* Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!
| |
VĂN NGHĨA - TRẦN LƯU thực hiện