Tạo thói quen mới trong mua sắm hàng Việt

Trong kết luận của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX, một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm được quan tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2012 là đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và các chương trình bình ổn thị trường. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM, đã dành cho PV Báo Sài Gòn Giải Phóng cuộc trò chuyện liên quan đến nội dung trên.
Tạo thói quen mới trong mua sắm hàng Việt

Trong kết luận của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX, một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm được quan tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2012 là đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và các chương trình bình ổn thị trường. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM, đã dành cho PV Báo Sài Gòn Giải Phóng cuộc trò chuyện liên quan đến nội dung trên.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: VIỆT DŨNG

* PV: Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại TPHCM trong thời gian qua?

* Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HÀ: Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sau hơn 2 năm phát động, không chỉ nâng cao nhận thức người dân về việc ưu tiên chọn dùng hàng hóa trong nước mà trên thực tế, cuộc vận động này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thói quen và hành vi mua sắm của người dân Việt Nam, các cơ quan nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội khi chọn mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm và các phương tiện, dịch vụ trong nước.

Thực tế, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai sâu rộng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước, giúp DN có cơ hội phát huy những thế mạnh tại chỗ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, chiếm giữ và mở rộng thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước đang ngày càng được nâng lên, trong khi giá cả ngày càng cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đã giúp thị hiếu của người tiêu dùng đang dần thay đổi khi chọn mua giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Tại TPHCM, hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được người tiêu dùng chọn mua, ở nhiều siêu thị hàng Việt Nam được bày bán đang chiếm tỷ lệ áp đảo (từ 90% - 95%).

* Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, theo đồng chí, các DN sản xuất trong nước phải làm gì để ổn định sản xuất và mở rộng thị phần?

* Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các tổ công tác làm việc trực tiếp với các DN, lắng nghe, đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là về vốn, lãi suất vay, thực hiện cơ chế, chính sách kích cầu, hỗ trợ DN đổi mới thiết bị, công nghệ, tạo điều kiện để các DN không chỉ tồn tại mà còn ngày càng phát triển. Để sản xuất ổn định và mở rộng thị phần, các DN sản xuất hàng Việt Nam cần xây dựng ngay những chương trình hành động cụ thể, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Các DN Việt Nam cần quan tâm phát triển mạng lưới phân phối, bán lẻ, quan tâm các khu vực đông người lao động nghèo, công nhân, sinh viên, nâng cao độ bao phủ sâu, rộng hơn trên địa bàn thành phố và bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với giá cả hợp lý.

Các DN Việt Nam cũng nên triển khai nhiều loại hình phân phối hàng hóa: siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, các điểm bán hàng trong khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, mở thêm nhiều chuyến hàng về nông thôn, chú ý khai thác cơ sở hạ tầng trong dân cư để nhanh chóng phủ rộng mạng lưới.

* Để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, các DN Việt Nam cần quan tâm hơn nữa điều gì, thưa đồng chí?

* Thông qua cuộc vận động này, các DN Việt Nam đã ngày càng ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng và nhận biết rõ tiềm năng thị trường nội địa nên đã mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng sự chọn lựa của người tiêu dùng. Tuy nhiên các DN Việt Nam cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã phải đa dạng hơn, giá cả hợp lý để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập mà còn từng bước hướng tới xuất khẩu.

Một việc khác cũng cần được DN Việt Nam quan tâm, đó là xây dựng và triển khai ngay việc tái định vị thương hiệu và tái cấu trúc trong từng DN, phải xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược phát triển trong tương lai. Cạnh đó, việc tiếp tục mở rộng thị phần ngay trong nước, cân nhắc đầu tư có trọng điểm, có chiều sâu; đổi mới máy móc, thiết bị cũng là điều mà các DN Việt Nam cần quan tâm thêm. Song song đó, công tác đào tạo lại và đào tạo mới đội ngũ công nhân có tay nghề kỹ thuật cao, nâng tầm chuyên nghiệp của các cán bộ để có thể cạnh tranh trong thời kỳ đất nước hội nhập của các DN Việt Nam, là điều cần thiết.

* Đồng chí đánh giá thế nào về sự tương hỗ giữa Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Chương trình Bình ổn thị trường tại TPHCM?

* Theo số liệu của cơ quan thống kê vừa công bố, CPI của TPHCM tháng 7-2012 đã giảm 0,57%. Đây là tín hiệu vui của thành phố chúng ta, trong đó có sự đóng góp của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Chương trình Bình ổn thị trường.

Nói về sự tương hỗ giữa Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Chương trình Bình ổn thị trường tại TPHCM thời gian qua, theo tôi là rất tốt, thể hiện trên 4 mặt: lượng hàng hóa dồi dào phong phú, giá cả hợp lý, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo. Sự phối hợp thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Chương trình Bình ổn thị trường đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất tới nhà phân phối, người tiêu dùng và đã có sự liên kết khá tốt giữa các DN trong chương trình với nhau, giữa các DN trên địa bàn, các tỉnh lân cận. Cạnh đó, sự phối hợp trên cũng đã giúp thành phố kiểm soát được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, xử lý nhanh và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN Việt Nam.

Thành phố xem việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Chương trình Bình ổn thị trường là một trong những biện pháp góp phần quan trọng vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ và thực tế, hai chương trình trên đã có những đóng góp tích cực đến mục tiêu an sinh xã hội. 

PHẠM THỤC thực hiện

Tin cùng chuyên mục