Tạo thuận lợi hơn cho người dân khu phong tỏa

Tính đến ngày 22-7, TPHCM đã phong tỏa trên 3.000 điểm để phòng chống dịch Covid-19 đợt thứ 4. Trong đó, rất nhiều chung cư, khu dân cư bị phong tỏa với số lượng lên tới hàng trăm ngàn người. Do đó, bên cạnh kiểm soát dịch cần tạo thuận lợi về đời sống, nhu yếu phẩm cho người dân.

Khó đủ bề

Tối 14-7, chung cư Dreamhome Residence (đường 59, phường 14, quận Gò Vấp) được thông báo có 2 trường hợp mắc Covid-19 và nhiều trường hợp F1. Cơ quan chức năng quyết định phong tỏa toàn bộ chung cư 14 ngày để tách các ca F0, F1.

“Đầu tháng 6 vừa rồi, dịch bùng phát mạnh ở quận Gò Vấp, chung cư bị cách ly, giãn cách, nay chưa kịp trở lại đời sống bình thường thì bị phong tỏa tiếp. Dù biết TPHCM đang rất vất vả nhưng chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn”, một cư dân nói.

Hơn 1 tuần nay, nhiều cư dân bắt đầu xin “viện trợ” vì thực phẩm dự trữ đã cạn dần trong khi chung cư “bế quan tỏa cảng”. “Các cửa thang bộ trong chung cư vì an toàn đã được chốt chặn để hạn chế tối đa đi lại nên cư dân không thể ra bên ngoài mua thức ăn, thức uống. Đặt hàng hóa online cũng khó khăn, nhân viên chỉ giao hàng ở cổng bảo vệ nhưng phải xếp hàng giãn cách nên cũng khá lâu”, một cư dân cho biết.

Trước đó, nhiều chung cư cũng bị phong tỏa để phòng dịch Covid-19 lây lan. Chung cư HQC 35 Hồ Học Lãm, Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân) bị cách ly, phong tỏa gần một tháng qua. Đây là những khu nhà ở xã hội nên cuộc sống của cư dân vốn dĩ thiếu thốn nay càng chật vật hơn.

“Thấy bà con khó khăn quá nên tôi đã liên hệ với các mạnh thường quân chở một xe tải rau, củ về phân phát, động viên nhau vượt khó chống dịch”, chị Trương Đình Thục Vy, một nhà hảo tâm đã phát động hỗ trợ cư dân tại chung cư HQC 35 Hồ Học Lãm, chia sẻ. 

Tạo thuận lợi hơn cho người dân khu phong tỏa ảnh 1 Chuyển thực phẩm hỗ trợ đến cư dân một chung cư bị phong tỏa ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Trong khi đó, tại một khu phố ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức có gần 10 block chung cư với hàng ngàn dân bị phong tỏa nhưng chỉ có vài siêu thị mini. Do đó, cư dân rất khó mua thực phẩm, có đơn hàng mất 2 ngày mới được giao hoặc bị từ chối đơn. “Để có thực phẩm, người dân đặt tại các chợ online nhưng cũng lúc được lúc không, giá cả vừa đắt vừa không đảm bảo chất lượng, nhiều người mua phải hàng ôi thiu”, một người trong khu phong tỏa cho biết.

Cần đảm bảo nhu yếu phẩm

Tại TP Thủ Đức, hiện một số phường áp dụng phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 nhưng một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm. Anh Linh, ngụ đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, phản ánh: “Tại các khu phong tỏa, địa phương chỉ mới kiểm soát chặt từ bên ngoài mà có dấu hiệu lơi lỏng ở bên trong. Một số người dân vẫn ra khỏi nhà, có sự giao lưu qua lại giữa nhà này với nhà khác’’. 

Mặt khác, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đối với khu phong tỏa, cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần để “truy vết” đưa ra khỏi cộng đồng các ca mắc Covid-19 nhưng thực tế ở nhiều nơi, việc lấy mẫu xét nghiệm chưa được thực hiện rốt ráo.

Tại một chung cư ở phường Phú Hữu (TP Thủ Đức), sau phong tỏa, đến ngày thứ 6, địa phương mới tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân. Và nay đã qua 14 ngày, dỡ phong tỏa nhưng chưa được lấy mẫu lại, dù chung cư đã phát sinh thêm các F0 làm người dân cũng lo lắng. 

Theo ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu (TP Thủ Đức), để rà soát đưa F0 ra khỏi cộng đồng, nhất là ở chung cư, địa phương phong tỏa nguyên block và khóa thang máy các tầng có nguy cơ cao để sàng lọc. Trong thời gian phong tỏa, trạm y tế phường triển khai lấy mẫu xét nghiệm lần 1, nếu không phát hiện thêm F0 thì địa phương theo dõi chặt chẽ các tầng có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm lần 2.

Cũng theo ông Trí, hiện lực lượng chức năng của phường dàn trải trực chốt và phục vụ hậu cần cho các điểm phong tỏa nên địa phương chủ yếu sử dụng lực lượng tại chỗ như tổ dân phố, bảo vệ và ban quản lý các chung cư, tổ Covid-19 cộng đồng tham gia tuần tra, nhắc nhở các trường hợp tụ tập nơi công cộng. 

Để hạn chế người dân ra đường, chấp hành Chỉ thị 16, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái cũng cho biết, tập trung công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định giãn cách trong các khu phong tỏa, phát huy tổ Covid-19 cộng đồng trong tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm quy định giãn cách trong các tuyến đường, ngõ hẻm.

Đặc biệt, vừa qua, quận 7 triển khai lắp đặt camera ở các khu vực nguy cơ rất cao, kết nối với hệ thống camera có sẵn tại các tuyến đường, hẻm để giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định giãn cách của người dân. 

Trong các buổi họp phòng chống Covid-19 mới đây, lãnh đạo UBND TPHCM đã nhắc nhở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm việc quản lý trong khu phong tỏa. Đồng thời đề nghị các địa phương triển khai ngay một số biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo phát hiện sớm, truy vết hết các trường hợp F0, F1. Đặc biệt, phải quản lý nghiêm để chống lây nhiễm chéo trong các khu phong tỏa, tuân thủ người cách ly người, nhà cách ly nhà, khu phố cách ly khu phố…

Tuy nhiên, bên cạnh kiểm soát chặt, chính quyền các địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ đáp ứng nhu yếu phẩm cho người dân, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ người dân; động viên cư dân khu phong tỏa cùng chia sẻ lẫn nhau vượt qua khó khăn, chung tay với chính quyền đẩy lùi dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục