Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước luôn đồng hành hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam để toàn cầu biết đến nhằm phát triển bền vững.
Tăng chất lượng
Gạo Việt Nam đang giữ vững vị thế là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với sản lượng xuất khẩu trung bình hàng năm từ 5 - 7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,5 - 3,5 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2017.
Năm qua, dù có chịu nhiều thiệt hại do thiên tai nhưng sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh mẽ, rõ nét theo hướng tăng mạnh các dòng gạo chất lượng có giá trị cao và giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp thấp lấy lại được đà tăng trưởng, với kim ngạch xuất khẩu đạt mức 2,66 tỷ USD, tăng 23,2% so với năm 2016. Tính đến cuối năm 2017, lượng gạo cao cấp đã vươn lên chiếm khoảng 24,38% trong tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng 35,32% so với cùng kỳ năm 2016.
Mấy năm qua, gạo Việt Nam xuất khẩu có thị trường ổn định, nổi bật ở khu vực châu Á với thị trường chiếm khoảng 70%. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu, chiếm bình quân 35% trong vòng 5 năm qua; kế đến là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á (Philippines, Indonesia và Malaysia). Ngoài ra, Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore cũng là 2 thị trường nhập khẩu gạo chất lượng cao.
Châu Phi cũng là thị trường chiếm tỷ trọng cao gạo nhập khẩu từ Việt Nam với trên 28% vào năm 2013, nhưng sau đó giảm mạnh do có sự cạnh tranh gạo trắng thông thường của Ấn Độ và Thái Lan và nay đã bù lại bằng loại gạo thơm do chất lượng thích hợp.
Ở thị trường châu Mỹ, gạo Việt Nam xuất khẩu đứng thứ ba, chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 7%. Còn châu Đại Dương là thị trường mới nổi nhưng rất có tiềm năng và hiện đang đứng thứ 4, chiếm tỷ trọng gần 5% trong năm 2017…
Chủng loại và chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong những năm qua. Các loại gạo trắng giảm mạnh từ 83,72% vào năm 2011, xuống còn 40,74% năm 2017, hiện chủ yếu tập trung vào các loại gạo đặc sản, chất lượng cao. Gạo thơm cũng có sự đột phá từ 6,63% năm 2011 tăng lên 23,53% vào năm 2017. Ngoài ra, gạo Japonica (dạng hạt tròn) tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng đang có chiều hướng tiêu thụ mạnh tại thị trường châu Đại Dương, châu Âu và Trung Đông.
Đây là hướng phát triển tích cực để giảm dần các loại gạo cấp thấp và tăng các loại gạo chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh lúa gạo. Sự chuyển đổi cơ cấu chủng loại và chất lượng gạo xuất khẩu trong thời gian qua xuất phát từ nhu cầu thị trường và các chính sách, cơ chế khuyến khích của Nhà nước đã dẫn dắt phát triển sản xuất.
Tương trợ để phát triển
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đánh giá xu hướng chuyển sang xuất khẩu gạo chất lượng cao nhằm tạo thương hiệu cho Việt Nam đang là tín hiệu tích cực, hướng đến bền vững. Trong nhiều năm qua, sản lượng gạo Việt Nam luôn tăng nhờ có vai trò nông dân sản xuất tốt. Điển hình, mùa vụ đông - xuân năm 2018 đến trễ nhưng đã thu hoạch sản lượng đạt rất ấn tượng. Bên cạnh đó, nông dân cũng tập trung sản xuất gạo chất lượng cao, mới gieo sạ đã lập tức có doanh nghiệp đến ký hợp đồng tiêu thụ. Hiện giá gạo đang tăng 20% so với năm 2017, nhờ đó đời sống nông dân khá lên thấy rõ. Đây không phải là việc tăng cơ học mà do Nhà nước đã có sự tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đi sâu về giống chất lượng cao; liên kết sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi bền vững.
Tuy nhiên, hiện giá gạo tăng cao bất thường nên các doanh nghiệp xuất khẩu phải thận trọng trong việc thu mua. Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, nhận xét, từ giữa tháng 2-2018 đến nay, giá gạo trong nước tăng liên tục, hiện ở mức 415 USD/tấn, cao hơn so với Thái Lan. Có thể nói vừa mừng cho nông dân nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp nếu chạy theo giá thành sản xuất mà không có cơ sở từ dự báo giá gạo trên thị trường quốc tế.
Trong vai trò tổ chức, Bộ Công thương và Bộ NN - PTNT đã xây dựng kế hoạch phát triển sản lượng và thị trường xuất khẩu gạo rất tốt. Điển hình như đầu năm nay, Việt Nam đã trúng thầu 141.000 tấn gạo vào thị trường Indonesia. Hiện nhiều nước nhập khẩu gạo đã thay đổi chính sách để đảm bảo an ninh lương thực. Đơn cử, Trung Quốc đã mở rộng thị trường xuất khẩu gạo vào nước này.
Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Trần Thành Nam, trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam đang dần thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu, từ việc Chính phủ nhập khẩu chuyển sang giao cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu hạn ngạch hoặc tự do hóa hoàn toàn thương mại. Sự canh trạnh quyết liệt từ các nước xuất khẩu gạo trên thế giới đã khiến thị trường đang gia tăng các rào cản kỹ thuật, yêu cầu cao về chất lượng, tạo ra nhiều thách thức.
Hiện Bộ NN - PTNT đã xây dựng quy chế quản lý, vùng nguyên liệu và logo thương hiệu gạo Việt Nam để đưa ra thị trường thế giới và đang trong giai đoạn tiến hành thủ tục đăng ký với quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đoàn kết thống nhất từ chất lượng, uy tín, giá cạnh tranh và khi có được thương hiệu riêng của gạo Việt Nam phải kịp thời nắm bắt cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.